Nhiều nước ủng hộ giải pháp chính trị cho vấn đề Syria

Sau cuộc không kích của Mỹ, Anh Pháp vào Syria, lãnh đạo nhiều nước tuyên bố ủng hộ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Nhiều nước ủng hộ giải pháp chính trị cho vấn đề Syria ảnh 1Người dân tại Douma, Damascus, Syria ngày 14/4. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các cuộc không kích của Pháp nhằm vào lãnh thổ Syria hôm 14/4 vừa qua không phải là một sự tuyên chiến với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Paris tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên, gồm cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, để mở đường cho tiến trình chuyển giao chính trị toàn diện tại quốc gia Trung Đông này.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trả lời phỏng vấn đài phát thanh BFM TV, RMC và trang tin tức trực tuyến Mediapart ngày 15/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định chính sách đối ngoại của Pháp là đối thoại với tất cả các bên.

Ông khẳng định để kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại Syria đòi hỏi các cuộc đối thoại với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: "Đây là điều kiện để có được hòa bình."

Tổng thống Macron tuyên bố sau các cuộc không kích ngày 14/4 vừa qua, giờ đây ưu tiên hàng đầu của Pháp, Mỹ và Anh là "chuẩn bị cho một giải pháp chính trị thay thế lâu dài, cho phép một sự chuyển đổi trong khuôn khổ Hiến pháp."

Cũng giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Macron đang đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước, đặc biệt là từ quốc hội nước này, khi nhà lãnh đạo Pháp có hành động "tiền trảm hậu tấu," không tham vấn với các nghị sĩ trước khi quyết định tham gia tấn công Syria.

[Đại sứ Mỹ tại LHQ nói Syria 'không xứng đáng' để đàm phán với Mỹ]

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước tuyên bố ủng hộ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã lên tiếng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ, vốn diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo từ năm 2015, nhằm ngăn chặn đổ máu tại quốc gia Trung Đông này.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong một tuyên bố ngày 15/4, Thủ tướng Kurz nhận định trong bối cảnh hiện nay, không một giải pháp quân sự nào có thể giúp giải quyết cuộc xung đột tại Syria.

Theo ông, cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 dân thường Syria và buộc hơn 5 triệu người phải rời bỏ quê hương sống tị nạn tại nhiều nước khác.

Do đó, ông kêu gọi tất cả các bên liên quan cần có trách nhiệm tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria, vốn được tổ chức tại thủ đô Vienna của Áo với sự tham gia của 20 phái đoàn khác nhau trong năm 2015.

Thủ tướng Kurz cho biết từ lâu Áo đã có truyền thống là địa điểm đối thoại và có vai trò trung gian là cầu nối trong các cuộc xung đột, do đó Áo sẵn sàng tổ chức các cuộc hòa đàm Syria vào bất cứ thời điểm nào.

Báo SonntagsBlick số ra ngày 15/4 của Thụy Sĩ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Guy Parmelin cho rằng lẽ ra Mỹ và các đồng minh nên chờ đợi kết quả điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma  thuộc Đông Ghouta trước khi tiến hành các cuộc không kích hôm 14/4.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ông Parmelin thể hiện quan ngại về những diễn biến căng thẳng sau khi Mỹ, Pháp và Anh tấn công Syria, đồng thời cảnh báo tình hình như vậy có thể “nhanh chóng trở nên mất kiểm soát.”

Bộ trưởng Parmelin nhấn mạnh “cần phải hết sức cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng” và cho rằng cần tôn trọng các quy tắc mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí đưa ra. Ông Parmelin kêu gọi tất cả các bên trở lại bàn đàm phán.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cùng ngày nhấn mạnh vai trò của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, cho rằng việc Moskva hỗ trợ Damascus chống khủng bố đã mang lại nhiều hòa bình và ổn định ở quốc gia Trung Đông này hơn là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Ông Berlusconi cũng cho rằng các nước phương Tây nên coi Nga như một “đối tác chiến lược,” chứ không nên coi như một “kẻ thù.” Theo ông Berlusconi, Italy nên đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Ngày 14/4, Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc không kích Syria với lý do đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta tại Syria cách đây hơn một tuần.

Nga và Syria đã nhiều lần bác bỏ thông tin về vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, cho rằng vụ việc là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào quốc gia Trung Đông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục