Nhìn nhận lại hướng đi cho đô thị Việt Nam

Nhìn nhận lại hướng đi cho đô thị ở Việt Nam

Sau cao điểm năm 2009, tốc độ phát triển đô thị đã “tạm lắng” và đây cũng là lúc để nhìn nhận lại hướng đi cho các đô thị Việt Nam.
Nhìn nhận lại hướng đi cho đô thị ở Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Lâm/TTXVN)

Trong vòng 10 năm trở lại đây, hệ thống các đô thị Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô đã tạo dựng nên những không gian đô thị mới, đáp ứng nhu cầu của người dân về một môi trường sống và làm việc hiện đại. 

Tuy nhiên, để các đô thị đạt tới mục tiêu bền vững thì yêu cầu tiên quyết là phải phát triển theo quy hoạch và kế hoạch.

Lượng đổi thì chất đổi

Theo Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), năm 1999 Việt Nam có 629 đô thị nhưng chỉ sau 10 năm (năm 2009) con số này đã vượt lên thành 754, tăng thêm 125 đô thị. Bộ mặt kiến trúc đô thị được đổi mới, đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Các khu đô thị mới với hàng loạt chung cư cao tầng được quy hoạch đồng bộ đã thay thế cho những khu nhà tập thể cũ thời bao cấp; khu vực phát triển mới được quy hoạch tổng thể... Cùng đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa.

Nhờ đó, tỷ lệ người dân đô thị được tiếp cận hạ tầng kỹ thuật thiết yếu về cấp nước, thu gom rác thải, điện, chiếu sáng... đang ngày càng tăng. Các dịch vụ phát triển mạnh mẽ, kinh nghiệm quản lý và năng lực tổ chức thực hiện đầu tư phát triển đô thị được hình thành, nhất là mô hình đầu tư xây dựng các khu đô thị mới. Hệ thống các quy định quản lý cũng cơ bản phủ kín các lĩnh vực và tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Những kết quả đó đã góp phần cải thiện, nâng cao điều kiện sống, làm việc, nghỉ ngơi của người dân, hình thành các cực phát triển của nhiều vùng miền và trục hành lang kinh tế, đồng thời đóng góp một phần quan trọng trong tổng GDP của đất nước...

Tuy nhiên, tốc độ gia tăng số lượng đô thị khá “nóng” từ năm 1999-2009 đã để lại những tồn tại mang tính hệ thống. Quy trình triển khai thực hiện phân loại, phân cấp và công tác nâng loại, nâng cấp đô thị còn rập khuôn, mang nặng tính hành chính, chưa phát huy được tính đặc thù của đô thị tại các vùng, miền. Nhiều đô thị có diện tích khu vực nội đô nhỏ hơn 10% diện tích toàn đô thị. Mặc dù chính quyền địa phương đã được phân quyền nhiều hơn trong công tác quản lý đô thị, đất đai, tài chính và đầu tư xây dựng nhưng số lượng và chất lượng đội ngũ này vẫn hạn chế do tỷ lệ được đào tạo về quản lý đầu tư phát triển đô thị còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác quản lý đô thị chưa được chú trọng đồng đều ở các cấp nên chưa thật sự kiểm soát được tình trạng phát triển đô thị tràn lan, tự phát, cấp đất đầu tư xây dựng đô thị chưa phù hợp với tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung.

Bởi vậy, sau cao điểm năm 2009, hiện tốc độ phát triển đô thị đã “tạm lắng” hơn và đây cũng là thời điểm để các nhà quản lý nhìn nhận lại hướng đi cho các đô thị Việt Nam.

Hành lang pháp lý chặt chẽ

Bản thân những người làm công tác quản lý đô thị, doanh nghiệp và cả người dân cũng luôn mong đợi một hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch trong việc quản lý, đầu tư và phát triển đô thị. Ngày 14/1/2013, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị đã được Chính phủ ban hành. Nghị định này được kỳ vọng sẽ góp phần lập lại trật tự trong quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị khẳng định hành lang pháp lý mới có nội dung quy định đầy đủ và toàn diện nhất từ trước đến nay về công tác phát triển đô thị. Các quy định này không chỉ đáp ứng việc quản lý phát triển mà còn thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư và người dân tại các đô thị. Nó điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị bao gồm nhiều khâu từ quy hoạch, hình thành, công bố kế hoạch triển khai các khu vực phát triển đô thị cho đến tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác và chuyển giao dự án...

Thông qua công cụ pháp lý quan trọng này, các đô thị sẽ từng bước thiết lập lại trật tự trong đầu tư phát triển đô thị. Theo đó, các khu vực phát triển đô thị sẽ được “khoanh vùng” để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch và kế hoạch, tránh dàn trải, theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực... Song song với quy định bắt buộc về kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị, bộ máy quản lý lĩnh vực phát triển đô thị tại các địa phương cũng đã được điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác kiểm soát phát triển.

Cụ thể, tại các địa phương sẽ thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị nhằm giám sát, kết nối, hỗ trợ quá trình thực hiện những dự án trong khu vực phát triển đô thị. Bộ máy này sẽ phát hiện và xử lý các sai phạm ngay khi được phát hiện, giảm thiểu các thiệt hại của toàn xã hội. Lần đầu tiên mô hình Ban quản lý khu vực phát triển đô thị hình thành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế là quản lý theo cụm, theo khu vực để khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư phát triển đô thị hiện nay. Các Ban quản lý này sẽ chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị.

Tuân thủ quy hoạch, kế hoạch

Xây dựng và phát triển đô thị còn nhiều khó khăn thách thức và việc khắc phục các vấn đề bất cập không thể giải quyết chỉ bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ của nguồn lực từ bên ngoài mà cần bắt đầu từ ngay khâu quy hoạch, tạo dựng năng lực cạnh tranh và phát huy nguồn lực nội tại của mỗi đô thị. Phát triển đô thị bền vững phải tuân thủ nghiêm theo quy hoạch và kế hoạch.

Hiện công tác quy hoạch đô thị cơ bản đã được triển khai đồng bộ và phủ kín trên toàn quốc. Đây là yếu tố rất quan trọng phục vụ công tác quản lý và định hướng thu hút đầu tư. Thành công từ một số địa phương trong suốt thời gian qua như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Ðồng Nai... đã minh chứng rất rõ cho thực tế này.

Tuy nhiên, thực trạng phát triển đô thị vẫn tồn tại thiếu sót như thiếu thống nhất, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ, môi trường đô thị còn ô nhiễm... Nhiều dự án đô thị phát triển mang tính tự phát thiếu quy hoạch và kế hoạch, ảnh hưởng tới diện mạo đô thị và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Tình trạng lãng phí đất đai chưa được khắc phục khiến hiệu quả đầu tư xây dựng thấp, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các đô thị. Hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch diễn ra phổ biến chứng tỏ tính dự báo của quy hoạch chưa đủ cơ sở khoa học, giải pháp chưa thật sự gắn kết với khả năng và nguồn lực thực hiện... Thậm chí, có những đô thị phải điều chỉnh quy hoạch chung nhiều lần và cũng có cả những quy hoạch chung được duyệt đã lâu nhưng không có điều kiện để rà soát điều chỉnh

Bởi vậy, giải pháp quy hoạch cũng cần chú ý đến không gian dự trữ để có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trong tương lai. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự nhập cuộc của chính quyền trong việc đổi mới tư duy phát triển đô thị cũng như tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát ngay từ khâu định hướng xây dựng nhiệm vụ quy hoạch để làm đầu vào cho các nghiên cứu quy hoạch đô thị.

Những khu vực dự kiến sẽ phát triển sau 20-30 năm thì nên xác định mục tiêu chiến lược để bảo đảm khả năng đáp ứng linh hoạt và chuẩn bị đầy đủ điều kiện đầu tư thay ấn định cụ thể. Các khu vực đô thị phát triển trong giai đoạn trước mắt (5-10 năm) sẽ cụ thể hóa bằng việc tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm đủ cơ sở để duy trì mối quan hệ cân bằng giữa lợi ích của nhà đầu tư, nhu cầu dân sinh, lợi ích của cộng đồng và mục tiêu cần đạt được của chính quyền, đồng thời phát huy tối ưu nguồn lực tổng hòa của các thành phần kinh tế trong xã hội nhằm phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và kế hoạch.

Đổi mới trong đầu tư phát triển đô thị, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải là cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu và quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những khu vực phát triển đô thị cùng với kế hoạch thực hiện kèm theo. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để quyết định việc chấp thuận cho triển khai các dự án trong đô thị nếu phù hợp với khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện đã được phê duyệt. Sẽ không còn hiện tượng các dự án được thực hiện chỉ căn cứ theo quy hoạch chi tiết của dự án mà không xem xét đến nhu cầu thị trường cũng như không cần sự phối hợp đồng bộ với các dự án đầu tư khác trong khu vực./.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục