Những bước chuyển lớn của kinh tế Trung Quốc trong năm 2021

Chuyên gia kinh tế Tiêu Mẫn Kiệt chỉ ra rằng Trung Quốc có thể sẽ có những bước chuyển lớn trong năm nay về xu hướng phục hồi kinh tế, mối quan hệ Trung-Nhật và quan hệ Mỹ-Trung.
Những bước chuyển lớn của kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tạp chí Newsweek của Nhật Bản, năm 2021 là một năm đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Đây là năm kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và là năm đầu tiên triển khai “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14.”

Thất bại là điều không thể chấp nhận được đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ phục hồi đáng kể sau khi lâm vào suy thoái vì tác động của dịch bệnh COVID-19.

Chuyên gia kinh tế Tiêu Mẫn Kiệt, đối tác đại diện của AIS CAPITAL - cơ quan chuyên cung cấp tư vấn tài chính và đầu tư tại Trung Quốc và Nhật Bản - chỉ ra rằng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ có những bước chuyển lớn trong năm 2021 như sau:

Xu hướng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021

Dự kiến, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay về số liệu sẽ ở mức cao, khoảng 8-9%, nhưng thực chất nội dung tăng trưởng sẽ có thay đổi so với trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chú trọng tốc độ tăng trưởng và coi đó là tiêu chí để đánh giá hiệu quả nền kinh tế, nhưng thực tế đã tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập.

Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ theo đuổi chính sách phát triển kinh tế coi trọng sự công bằng. Hay nói cách khác, chủ đề kinh tế năm nay của Trung Quốc sẽ là tái cân bằng phát triển và công bằng cho người dân.

Giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo sự công bằng trong phát triển kinh tế

Gần đây, thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với những "gã khổng lồ" về công nghệ thông tin như Alibaba không còn nồng ấm như trước. Cho đến nay, các doanh nghiệp này vẫn được kỳ vọng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu các doanh nghiệp này hướng giải pháp cắt giảm việc làm để tạo ra hiệu quả kinh doanh, thì không khác gì tước đoạt cơ hội tìm việc của nhiều người.

[Dự báo thế giới 2021: Trung Quốc sẽ mạnh và có ảnh hưởng lớn hơn]

Trong khi đó, các ngành sản xuất phục vụ sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày không mang lại động lực to lớn cho tăng trưởng nhưng lại dễ tạo ra nhiều việc làm và cũng mang tính bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Năm 2021, đảm bảo tạo công ăn việc làm cho người dân vẫn là mục tiêu chính sách quan trọng hàng đầu của quốc gia có quy mô dân số lên tới 1,5 tỷ người. Chăm sóc y tế và giáo dục khó có thể không tạo ra tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng những ngành này đang được kỳ vọng sẽ nằm trong kế hoạch phân bổ lại thu nhập một cách cân bằng.

Dịch bệnh COVID-19

Chìa khóa duy nhất để kiểm soát thành công dịch bệnh là phong tỏa một cách kiên quyết và kịp thời. Việc phong tỏa, nghiêm cấm các hoạt động đi lại tại thành phố Vũ Hán đã giúp khống chế dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục kinh tế.

Mô hình thành công này đã được nhân rộng ra cả nước và là chìa khóa của Trung Quốc khi tiếp tục phải đối mặt với COVID-19 trong năm 2021. Thực tế cho thấy, gần đây khi phát hiện một số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chính phủ Trung Quốc lập tức phong tỏa khu vực liên quan và cả khu vực xung quanh.

Dường như, với dịch bệnh phức tạp như COVID-19, các biện pháp cứng rắn về cắt đứt hoàn toàn hoạt động tiếp xúc giữa mọi người luôn mang lại hiệu quả tối ưu.

Triển vọng thị trường tài chính

Thị trường chứng khoán Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế dần được phục hồi. Tuy nhiên, hiện thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó gồm cả chứng khoán Trung Quốc, vẫn đang đối mặt với nhiều biến số.

Đến nửa cuối năm 2021, khả năng lớn các yếu tố mang tính nguy cơ sẽ dần bị loại bỏ. Khi đó, thị trường Nhật Bản và Mỹ gần như song hành, không có lực cản. Vì vậy, sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư nghĩ đến chứng khoán Trung Quốc như là một lựa chọn thứ 3.

Đây là lý do mà gần đây các tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ-Trung

Dòng chính đối đầu trong quan hệ Mỹ-Trung vẫn không thay đổi, nhưng cách thức cạnh tranh có thể thay đổi. Sẽ rất khó xảy ra một bước ngoặt đột ngột trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc so với chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Khi đảng Dân chủ nắm quyền, thì Trung Quốc sẽ khó khăn hơn trong giải quyết các vấn đề như nhân quyền và môi trường nhưng nếu cơ chế ngoại giao được chú trọng thì các vấn đề này sẽ có cơ sở thuận lợi hơn để thảo luận.

Bà Catherine Tai, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm là Đại diện Thương mại Mỹ trong chính quyền ông Biden, sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Một người Mỹ gốc Trung Quốc được cho là sẽ hiểu Trung Quốc hơn. Vấn đề là hai nước sẽ làm thế nào để khôi phục lại quan hệ vốn đã đi xuống rất nhiều dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Quan hệ Trung-Nhật

Về phía Trung Quốc, cả chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân đều muốn hòa hợp với Nhật Bản. Hiện hai nước đang phải tập trung vào các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, khi các mảnh ghép của một trật tự thế giới đã biến động lớn do tác động của dịch bệnh COVID-19 thì Nhật Bản được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò là “tấm đệm”, một giá đỡ an toàn cho quan hệ Mỹ-Trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục