Những chiến lược của Palestine trên con đường gập ghềnh đã chọn

Tổng thống Mahmoud Abbas tiếp tục chiến lược mà ông đã theo đuổi nhiều thập kỷ: tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để gây áp lực buộc Israel phải công nhận một nhà nước Paslestine tại Bờ Tây, Gaza.
Những chiến lược của Palestine trên con đường gập ghềnh đã chọn ảnh 1Tổng thống Palestine Mahmud Abbas. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo AP, trong suốt 3 thập kỷ nỗ lực đàm phán hòa bình nhưng không đem lại kết quả, người dân Palestine chưa bao giờ phải đối mặt với một chính quyền Mỹ thù địch, một Israel tự phụ và một cộng đồng quốc tế hai mặt như hiện nay.

Mặc dù hy vọng về một nhà nước của người Palestine đang trở nên tăm tối hơn bao giờ hết, song những người lãnh đạo đứng tuổi của dân tộc này sẽ không bao giờ thay đổi con đường đã chọn.

Tổng thống Mahmoud Abbas tiếp tục chiến lược mà ông đã theo đuổi nhiều thập kỷ: tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để gây áp lực buộc Israel phải công nhận một nhà nước Paslestine tại Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem, những vùng đất Israel chiếm giữ từ cuộc Chiến tranh Trung Đông năm 1967.

Mục tiêu này có vẻ viển vông sau khi Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) quyết định đặt quan hệ ngoại giao với Israel. Động thái này đã đập tan sự đồng thuận của các quốc gia Arab về việc đổi đất lấy hòa bình, vốn là lợi thế hiếm hoi của người Palestine.

Các quốc gia Arab khác được kỳ vọng sẽ theo sau UAE, từ đó góp phần ủng hộ luận điểm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Israel có thể hòa giải với các quốc gia láng giềng Arập mà không cần bất kỳ nhượng bộ nào đối với Palestine.

Thỏa thuận của UAE đã làm sống lại Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một kế hoạch ủng hộ Israel mạnh mẽ và bị người Palestine bác bỏ. Kế hoạch này sẽ tiếp tục là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ thêm 4 năm nữa nếu ông Trump tái đắc cử.

[Tổng thống Palestine nêu yếu tố tạo nên hòa bình trong khu vực]

Trong khi bất lợi ngày càng chồng chất đối với Palestine, dân tộc này vẫn chiếm gần một nửa dân số tại khu vực giữa Biển Địa Trung Hải và Sông Jordan.

Lãnh đạo của người Palestine nói rằng Israel sẽ vẫn cần chữ ký của họ nếu quốc gia này muốn giải quyết xung đột. Đây chính là vấn đề đau đầu đối với con rể và cũng là cố vấn của Tổng thống Trump, Jares Kushner, kiến trúc sư trưởng của kế hoạch này.

Hanan Ashrawi, một quan chức cấp cao của Palestine, nói: “Người ta có quan niệm sai lầm rằng Palestine đã thất bại, và quốc gia này phải chấp nhận sự thật về thất bại đó. Người Palestine sẵn sàng, từ thế hệ này qua thế hệ khác, tiếp tục chiến đấu cho tới khi giành lại được quyền lợi của dân tộc mình.”

Sau đây là những lựa chọn của Palestine:

Lộ trình ngoại giao

Đề nghị về việc thành lập một nhà nước dựa trên giới tuyến năm 1967 của Palestine vẫn nhận được sự ủng hộ quốc tế và được thể hiện trong nghị quyết của Liên hợp quốc. Palestine được trao quy chế “nhà nước quan sát viên” vào năm 2012, một vị thế cho phép quốc gia này tham gia nhiều diễn đàn toàn cầu, bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Palestine đã yêu cầu ICC thực hiện một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Israel, động thái có khả năng khiến giới lãnh đạo chính trị và quân sự ở Israel đối diện với nhiều cáo buộc. Israel không phải là thành viên của ICC bởi vậy nhà nước Do Thái cho rằng một cuộc điều tra như vậy là không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, công dân của Israel vẫn có nguy cơ đối diện với việc bị bắt giữ tại các quốc gia khác nếu lệnh bắt được thông qua.

Hành động của Palestine gây nhiều áp lực cho Israel, tuy vậy vẫn không thể khiến Israel nhượng bộ. Những động thái đó cũng không thể ngăn được Israel xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia Arab và châu Phi, những quốc gia vốn có lịch sử ủng hộ Palestine, và đỉnh điểm là thỏa thuận mà Israel đạt được với UAE.

Palestine phản ứng với thỏa thuận của UAE bằng cách triệu tập một hội nghị khẩn cấp gồm Liên đoàn Arập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo gồm 57 nước thành viên.

Tuy nhiên UAE giàu dầu mỏ là một thành viên có sức ảnh hưởng lớn trong cả 2 tổ chức và việc tổ chức hội nghị vẫn chưa trở thành hiện thực.

Liên minh châu Âu (EU), vốn đang bị “chia rẽ và bận tâm đối phó với đại dịch COVID-19,” dường như cũng không thể đưa ra sự hỗ trợ đáng kể nào.

Tẩy chay và sự đoàn kết quốc tế

Trong những năm gần đây, một phong trào quốc tế do Palestine lãnh đạo đang cố gắng vận động mọi người ủng hộ Chiến dịch Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt (BDS) chống lại Israel.

Những người tổ chức của BDS nói rằng họ đang dẫn dắt một phong trào đấu tranh bất bạo động cho quyền lợi của người dân Palestine, một phong trào dựa trên hình mẫu của cuộc chiến đấu chống nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Israel cáo buộc những người này đang cố gắng phủ nhận tính hợp pháp của Nhà nước Israel. Mặc dù BDS đã thu được một vài thành công, song chiến dịch này không gây tác động nào đáng kể lên nền kinh tế Israel.

Chiến dịch cũng khá nổi tiếng đối với những nhà hoạt động cánh tả tại các quốc gia phương Tây, tuy nhiên nó cũng vấp phải không ít cản trở, bao gồm những đạo luật chống BDS ở Mỹ và Đức.

Tareq Baconi, một nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng sự đoàn kết ngày càng chặt chẽ giữa các nhà hoạt động người Palestine và các nhà hoạt động của phong trào “Người da đen đáng được sống” là một “ví dụ về áp lực mà Palestine có thể gây ra đối với Israel. Tuy vậy, tại thời điểm này, áp lực này quá rời rạc và chưa đủ sức mạnh để tạo ra ưu thế về chính trị.”

Giải pháp một nhà nước

Trong những năm gầy đây, ngày càng có nhiều người Palestine đề xuất từ bỏ giải pháp hai nhà nước để ủng hộ một nhà nước hai dân tộc dành cho người Do Thái và người Palestine hoặc một kiểu liên bang Israel-Palestine.

Tháng trước, ý tưởng này thu hút sự được quan tâm sau khi Peter Beinart, một nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ gốc Do Thái, đứng ra ủng hộ ý tưởng này.

Luận điểm của ý tưởng này là chính quyền cánh hữu Israel và những khu định cư của nước này ở Bờ Tây hiện nay đã trở thành “nhà của hơn 500.000 người Israel.”

Điều này khiến cho việc chia tách lãnh tổ là điều bất khả thi. Cũng chưa hề có một cuộc đàm phán hòa bình nào đáng kể từ hơn một thập kỷ qua. Thay vào đó, những người ủng hộ giải pháp một nhà nước cho rằng Palestine nên tìm kiếm những quyền lợi bình đẳng, trong đó có quyền bầu cử. Mặc dù ý tưởng này giành được sự quan tâm của giới học giả, song nó lại nhận được rất ít sự ủng hộ bên trong lãnh thổ Israel hoặc Palestine.

Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 6 được thực hiện bởi tổ chức uy tín Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Chính sách Palestine cho thấy chỉ có 37% người Palestine ủng hộ ý tưởng này, và 6% lựa chọn ý tưởng này thay cho các lựa chọn khác.

Giới lãnh đạo Palestine cương quyết phản đối giải pháp một nhà nước, một giải pháp có thể phá hủy Chính quyền Palestine và đẩy dân tộc này vào một tương lai bất định.

Dọn nhà

Nhiều người Palestine cho rằng giới lãnh đạo nên thực hiện những cải cách căn bản. Sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Abbas đã sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây, và Chính quyền Palestine bị coi là tham nhũng và kém cỏi.

Chưa hề có một cuộc bầu cử nào trong gần 15 năm qua do sự chia rẽ sâu sắc giữa Phong trào Fatah của ông Abbas và Phong trào Hồi giáo Hamas, tổ chức quân sự đã giành quyền kiểm soát dải Gaza từ lực lượng của ông Abbas từ năm 2007.

Fatah và Hamas đều đồng lòng trong việc bác bỏ kế hoạch của Tổng thống Trump và phản đối việc bình thường hóa quan hệ của các quốc gia Arập với Israel.

Hai phong trào này gần đây đã tổ chức những cuộc họp chung và cùng tập hợp nhằm tạo ra một mặt trận thống nhất. Tuy vậy, các nỗ lực hòa giải bất đồng giữa hai phong trào này trước đây đều đã thất bại.

Điều này khiến ông Abbas, hiện đã 85 tuổi, mắc kẹt tại vị trí đứng đầu của một bộ máy lãnh đạo già nua và cứng nhắc.

Trông chờ vào ông Biden

Nếu cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử trong đợt bầu cử sắp tới, đây sẽ là dấu chấm hết cho kế hoạch của Trump. Tuy nhiên, rất ít người Palestine tin rằng việc trở lại áp dụng cách tiếp cận dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama - nỗ lực thuyết phục hai bên chấp nhận một sự dàn xếp thông qua đàm phán - sẽ thành công.

Ông Ashrawi phát biểu: “Khó có ai có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn Tổng thống Trump. Tuy nhiên, tôi cũng cảnh báo rằng chưa nên vội coi Biden như một hiệp sỹ trong bộ giáp sáng loáng.”

Ali Jarbawi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Birzeit ở Bờ Tây, nói rằng ông Biden "sẽ trở lại giải quyết cuộc xung đột này."

Ông nói thêm: "Dưới khẩu hiệu giải pháp hai nhà nước, bạn đưa tiền cho Palestine, bạn nói Israel đừng làm cái này, đừng làm cái kia, rồi một lần nữa bạn tham gia vào việc đàm phán, một quá trình sẽ kéo dài thêm 20 năm nữa”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục