Những cơ hội của Iran trước một Phương Tây chia rẽ

Sau hơn 40 năm thực hiện tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực nhưng thiếu tiền và nguồn lực, Iran đã học được cách mở rộng ảnh hưởng với mức chi phí rẻ nhất.
Những cơ hội của Iran trước một Phương Tây chia rẽ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhận định của trang mạng wsj.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khôi phục hầu hết các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Những biện pháp này từng được chính quyền tiền nhiệm Barack Obama gỡ bỏ sau khi Nhóm P5A+1 ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015.

Các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ được áp đặt tiếp, nhưng để ngăn chặn tham vọng của Iran về làm giàu urani và phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, Nhà Trắng phải thuyết phục thêm người Mỹ và các đồng minh tham gia vào việc gia tăng áp lực lên chính quyền Iran.

Sự mở rộng ảnh hưởng của Iran sẽ không được ngăn chặn nếu Washington không đánh vào "tận gốc rễ" của vấn đề.

Chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo (năm 2020) đang đến gần. Nếu tổng thống Mỹ tiếp theo là người của đảng Dân chủ, những tiến triển có được dưới thời Donald Trump sẽ bị "đảo ngược." 

Quan điểm của đảng Dân chủ về vấn đề Iran vẫn bị chi phối bởi cách tiếp cận của chính quyền Obama liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran (hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

Đảng Dân chủ tiếp tục đánh giá thấp những hoạt động gia tăng ảnh hưởng của Iran tại khu vực và đặc biệt là vai trò của Tehran trong cuộc chiến tại Syria và Yemen, cũng như xem Tổng thống Iran Hassan Rouhan là một nhà cải cách mặc dù ông này đóng vai trò là người thúc đẩy vai trò giám sát của các giáo sỹ.

[Giới chức Iran khẳng định ngành công nghiệp quốc phòng lớn mạnh]

"Thân thiện" với Tehran, khôi phục thỏa thuận hạt nhân và giảm hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông là giọng điệu của đảng Dân chủ, những người không ưa Tổng thống Trump, thiếu cảm tình với Israel, Arập Suni và thực tế chính trị tại khu vực.

Trái lại, chính sách tập trung vào trừng phạt của Tổng thống Trump đã chặn của Tehran hàng tỷ USD/năm và ngăn chặn những tham vọng chiến lược của nước này.

Những cơ hội của Iran trước một Phương Tây chia rẽ ảnh 2Kiểm đổi đồng Rial của Iran (phải) và đồng Đôla Mỹ tại Tehran, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mục đích cao nhất trong chính sách của Trump là một thỏa thuận hạt nhân mới hoặc sự sụp đổ của chế độ cầm quyền hiện nay ở Tehran - điều Washington không thể đạt được trong 2 năm tới.

Chính quyền Iran không dễ dàng đầu hàng. Đại giáo chủ Ali Khamenei có lẽ là nhà độc tài thành công nhất tại Trung Đông hiện đại.

Nhiều giáo sỹ và thành viên Vệ binh Cách mạng Iran, những người cầm quyền tại Iran đã trải qua cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Đây là những người cứng rắn hơn cựu hoàng Shah và các tướng lĩnh trước cuộc cách mạng tại Iran (1979).

Những người nghèo và thuộc tầng lớp trung lưu tham gia biểu tình trong tháng 12/2017 đã làm rung chuyển chính quyền Iran, nhưng Đại giáo chủ Khamenei biết cách quản lý những người bất đồng chính kiến.

Miễn là biểu tình không biến thành hỗn loạn trên quy mô lớn, thì những người biểu tình trên thực tế có thể giúp chính quyền cho phép sự giận dữ của công chúng tạo điều kiện cho các cơ quan an ninh phát hiện những lãnh đạo tiềm năng của các cuộc bạo loạn quy mô lớn hơn trong tương lai.

Nếu không có sự can dự của Mỹ, Iran đã có thể thực hiện được tham vọng của mình. Chính quyền Tehran đã chi hàng tỷ USD cho phát triển vũ khí hạt nhân.

Cho dù các biện pháp trừng phạt làm giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô còn ít hơn 1 triệu thùng/ngày, tiền thu từ xuất khẩu dầu thô vẫn đủ để duy trì sự trung thành của các cơ quan an ninh với chính quyền để dập tắt các cuộc nổi dậy của người dân.

Cho dù lo sợ về một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng, chính quyền Iran cũng sẽ không chấm dứt chương trình hạt nhân.

Theo chuyên gia hạt nhân David Albright và Olli Heinonen, những người đã nghiên cứu các hồ sơ về Iran do tình báo Israel thu thập được năm 2016, Tehran sẽ không đóng băng chương trình hạt nhân sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, tương tự như Cơ quan tình báo Mỹ khẳng định với sự "tin tưởng cao độ" trong năm 2017 và các quan chức thời Obama tiếp tục tái khẳng định.

Trừng phạt hiện nay vẫn chưa đủ để đe dọa Iran như thời điểm cựu Tổng thống George W. Bush gây ra đối với Iran khi xe tăng Mỹ tiến đến Baghdad.

Những cơ hội của Iran trước một Phương Tây chia rẽ ảnh 3Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do việc phát triển các máy ly tâm hiện đại ngày nay rẻ hơn trước đây nên chuyên gia Heinonen tin rằng Iran có khả năng cao đã sở hữu các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất vũ khí hạt nhân và đang cất giữ trong các kho bí mật.

Một trong những khía cạnh gây quan ngại nhất trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là thiếu khả năng tiếp cận các nhân viên hạt nhân, hồ sơ và các địa điểm nghi ngờ của Iran. Vấn đề này hiện nay vẫn chưa được giải quyết.

Chính quyền Hồi giáo tại Iran có thể vẫn đang phát triển công nghệ hạt nhân và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có thể không biết.

Bức tranh khu vực cũng không sáng sủa hơn. Iran kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn thông qua các lực lượng ủy nhiệm tại Iraq và Syria.

Cuộc chiến tại Yemen cũng là một cơ hội quá tốt đối với chính quyền Tehran, chi tối thiểu nhưng lợi ích cao trong việc gây áp lực lên đối thủ Saudi Arabia.

Sau hơn 40 năm thực hiện tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực nhưng thiếu tiền và nguồn lực, Iran đã học được cách mở rộng ảnh hưởng với mức chi phí rẻ nhất.

Chính quyền Trump đã làm suy yếu những lợi thế của chính mình bằng việc không sẵn sàng ngăn chặn các lợi thế của Iran bằng sức ép quân sự. Washington chủ yếu giao cho Israel trách nhiệm kiềm chế lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Sự sợ hãi về Hồi giáo thánh chiến Suni và sợ trả đũa của Iran cũng như thiếu sự cho phép của Quốc hội về tiến hành các hoạt động bí mật gây thương vong đã ngăn cản một chiến dịch quân sự của Mỹ để lật đổ chính quyền Iran thông qua một cuộc chiến tranh du kích chi phí thấp.

[Iran đã hoàn tất một cơ sở chế tạo máy ly tâm hiện đại]

Mỹ sẽ không đối xử với Iran như những gì Iran đã làm với quân đội Mỹ tại Iraq. Thật không may mắn, Israel, Saudi Arabia và UAE đơn giản không thể giải quyết một nhiệm vụ như vậy nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ.

Chính quyền Mỹ cần chơi một trò chơi dài hơi hơn. Mỹ nên gia tăng và duy trì sức ép đủ lâu để người dân Iran nổi dậy chống chính quyền.

Một sự đồng thuận giữa hai đảng tại Mỹ về việc làm suy yếu chính quyền Iran là điều kiện cần, bảo đảm những nỗ lực này được duy trì trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.

Chính quyền Mỹ phải kiên trì trong nỗ lực đoàn kết thế giới phát triển chống Iran. Để chứng minh chính sách của Obama về Iran là sai lầm, chính quyền Trump nên cho công chúng thấy được những hoạt động tàn bạo của Iran ở cả trong và ngoài nước.

Sẽ rất khó giám sát chính sách đối ngoại được xây dựng nhằm thúc đẩy nhân quyền và dân chủ một khi các tội ác của Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif được phơi bày đầy đủ.

Các hoạt động của chính quyền Iran nhằm ám sát những người bất đồng chính kiến (những người đã rời bỏ Iran từ những năm 1990 dưới thời chính quyền Akbar Hashemi Rafsanjani và Rouhani) đang gia tăng.

Những quy định trong thỏa thuận hạt nhân giới hạn Iran phát triển vũ khí thông thường và công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ hết hiệu lực lần lượt vào năm 2020 và 2023.

Đảng Dân chủ ở Mỹ và châu Âu nên thừa nhận những nguy hiểm tiềm tàng và tăng cường thêm sức nặng và nhận thức trong chính sách đối ngoại để xử lý vấn đề này.

Tổng thống Trump và nhiều đảng viên Cộng hòa đang do dự trong việc thúc đẩy dân chủ và xã hội dân sự ở nước ngoài. Họ là những người đủ thông minh để vượt qua những do dự này và chơi tất cả các lá bài có trong tay để chống lại các thể chế đối nghịch nhằm xây dựng cơ sở ủng hộ rộng lớn hơn ở cả trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục