Những hoài nghi về cuộc bầu cử quốc hội, tổng thống ở Palestine

Các phe phái Palestine vẫn thận trọng khi vấn đề chính trị không được đo lường bằng những tuyên bố “màu hồng," nhất là khi còn tồn tại quá nhiều thách thức trong quá trình thực hiện bầu cử.
Những hoài nghi về cuộc bầu cử quốc hội, tổng thống ở Palestine ảnh 1Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần báo Al-Ahram vừa có bài phân tích đánh giá rằng các phe phái chính trị của Palestine như Hamas và Fatah đều công khai thực hiện lời kêu gọi bầu cử tổng thống, song có vẻ như sự chia rẽ và mất lòng tin một lần nữa đang cản trở kế hoạch này.

Giới phân tích chính trị Palestine tin rằng tất cả dấu hiệu đều cho thấy các phe phái ở Palestine muốn tổ chức cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng phát biểu tại Liên hợp quốc rằng thế giới sẽ chứng kiến quyết tâm của người dân và giới lãnh đạo Palestine nhằm duy trì nền dân chủ, bất chấp sức ép chiếm đóng và nỗ lực cản trở các cuộc bầu cử này của Israel.

Tuy nhiên, các phe phái Palestine vẫn thận trọng khi vấn đề chính trị của nước này không được đo lường bằng những tuyên bố “màu hồng," nhất là khi còn tồn tại quá nhiều thách thức trong quá trình thực hiện bầu cử.

Họ tin rằng các cuộc thảo luận do Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Palestine Hanna Nasser tổ chức ở Bờ Tây và Dải Gaza còn rất xa trên lộ trình hướng tới bầu cử nhằm giải quyết những thách thức hiện tại, đặc biệt là những âm mưu xoay quanh sự nghiệp của người dân Palestine chủ yếu được nhắc tới trong cái gọi là “Thỏa thuận thế kỷ," vốn được coi là một nỗ lực vô ích để chấm dứt sự nghiệp và cuộc đấu tranh của dân tộc Palestine.

Về phần mình, lãnh đạo phong trào Hamas Ismail Haniya cũng đã lên tiếng ủng hộ tiến trình bầu cử Palestine. Ông nói: “Chúng tôi đã tiếp cận cuộc bầu cử với trách nhiệm quốc gia và tính linh hoạt cao, cũng như đã nhượng bộ để mở ra cơ hội cho cuộc bầu cử bắt đầu và đạt được các mục tiêu mong muốn."

Theo các nhà quan sát, nếu các cuộc bầu cử được tổ chức thì đây sẽ là cơ hội để chấm dứt sự chia rẽ tàn khốc đã gây tổn hại cho sự nghiệp của người Palestine, cũng như ngăn chặn các điều kiện để Isreal thực hiện việc chiếm đóng và các cơ hội để chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xóa bỏ sự nghiệp dân tộc của người Palestine.

Riham Awwad, một nhà phân tích người Palestine, cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ý định nghiêm túc để tổ chức các cuộc bầu cử, đặc biệt sau cuộc họp và thảo luận của ông Nasser với phong trào Hamas và các phe phái Palestine khác ở Dải Gaza. Điều này có nghĩa là Tổng thống Abbas nghiêm túc trong việc tổ chức các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, chuyên gia này tin rằng vẫn còn những trở ngại thực sự cần phải vượt qua như sự ngờ vực giữa Hamas và Fatah, hay sự nghi ngờ về việc tổ chức bầu cử hoặc việc chấp nhận kết quả bầu cử ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Bà Awwad nhận định một số kịch bản có thể xảy ra, và trường hợp xấu nhất là các cuộc bầu cử được tổ chức ở Bờ Tây trước và sau đó là Dải Gaza, hoặc chỉ ở Bờ Tây chứ không ở Dải Gaza.

Chuyên gia này cảnh báo rằng trong mắt thế giới, việc “thoái lui” các cuộc bầu cử sẽ là hành động đáng xấu hổ đối với tất cả người Palestine, đặc biệt là khi không ai có thể chối bỏ cuộc bầu cử này kể cả Hamas và Fatah. Nếu họ làm như vậy thì sẽ phải chịu trách nhiệm với người dân Palestine. Do đó, bà Awwad hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp ở Dải Gaza và cuộc bầu cử vẫn sẽ được tổ chức.

Dù rất lạc quan, chuyên gia Awwad dự báo về một số trở ngại có tính quan liêu như việc lên lịch trình bầu cử, nếu chúng được tổ chức đồng thời ở Bờ Tây và Dải Gaza. Liệu sẽ các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sẽ diễn ra vào cùng thời điểm, hay sẽ có một khoảng cách giữa hai cuộc bầu cử? Bên cạnh đó, liệu sẽ có các giám sát viên quốc tế và trong các cuộc bầu cử này?

Trong khi đó, Ziyad Abu Ziyad - một nhà văn kiêm luật sư người Palestine, bình luận: “Trước hết, chúng ta cần xóa bỏ mọi hậu quả từ sự chia rẽ và sau đó mới có thể nghĩ về bầu cử. Palestine có thể không còn nhiều thời gian cho việc này, vì vậy không ai có thể ngạc nhiên rằng nếu có chuyện gì đó xảy ra với Tổng thống Abbas, Palestine sẽ phải bắt đầu lại mọi chuyện."

Theo nhà văn này, ngay cả khi hai phong trào đối thủ ở Bờ Tây và Dải Gaza đồng ý tổ chức bầu cử, làm thế nào để nó có thể diễn ra trong bối cảnh tồn tại hai hệ thống tư pháp và dưới sự giám sát của hai cơ quan khác nhau (cảnh sát ở Bờ Tây và Cơ quan An ninh nội địa ở Dải Gaza)? Liệu Hội đồng Tư pháp ở Gaza sẽ bị giải tán, cùng với tổng chưởng lý, bộ máy tư pháp và công tố viên, để có thể thống nhất dưới một cơ quan hợp pháp duy nhất ở Ramallah? Hamas có sẵn sàng giải tán bộ máy an ninh của mình, chấm dứt hoạt động của các nhân viên và rút vũ trang khỏi đường phố nhằm tạo ra bầu không khí dân sự cần thiết để tổ chức bầu cử, đồng thời cho phép cảnh sát Palestine trở lại nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo ở Ramallah?

[Palestine: Không có bầu cử nếu không tổ chức tại Đông Jerusalem]

Ông Ziyad chất vấn thêm rằng làm thế nào Palestine có thể tổ chức các cuộc bầu cử ở Jerusalem? Sẽ có những lựa chọn thay thế và giải pháp biểu trưng mà không cần Jerusalem là trung tâm của tiến trình bầu cử? Nếu Israel ngăn chặn bầu cử ở Jerusalem, liệu sẽ có lý do để hủy bỏ hoặc hoãn cuộc bầu cử tại đó hay không? Tuy nhiên, cuộc bầu cử khó có thể diễn ra mà không có Jerusalem.

Việc Palestine theo đuổi một chiến dịch quốc tế và vận động thế giới gây áp lực đối với Israel để buộc Tel Aviv không cản trở tiến trình bầu cử, là cần thiết và có thể thực hiện được, bởi lẽ tổ chức các cuộc bầu cử ở Jerusalem sẽ thể hiện các quyền lợi chính trị và quyền lợi quốc gia của Palestine đối với Jerusalem, vốn được coi là thủ đô của nhà nước tương lai Palestine.

Những hoài nghi về cuộc bầu cử quốc hội, tổng thống ở Palestine ảnh 2Lãnh đạo Phong trào Hamas tại Dải Gaza, Ismail Haniyeh (giữa), trong cuộc họp báo về việc tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống tại các vùng lãnh thổ của Palestine với các phóng viên nước ngoài ở thành phố Gaza. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà văn Anwar Rajab thì tin rằng mặc dù giới lãnh đạo Hamas đã có những tuyên bố nhiệt tình đối với các cuộc bầu cử, song phần lớn các tuyên bố này là quá mơ hồ. Ông nói: “Có người cho rằng Fatah phải đồng ý với sáng kiến của các phe phái khác vì đây là tiền đề để tổ chức bầu cử. Những người khác thì lại nói về sự cần thiết của ‘đồng thuận quốc gia' trước khi tổ chức bầu cử. Họ cũng nhắc tới sự cần thiết phải đảm bảo tính minh bạch, quyền tự do, xử lý kết quả bầu cử và chấm dứt can thiệp an ninh."

Ông nêu lên thực tế là Hamas từng trấn áp giới trẻ trong các cuộc biểu tình. Liên quan tới việc đảm bảo tính minh bạch, trung thực, xử lý kết quả bầu cử và các yêu cầu khác, cuộc bầu cử lập pháp năm 2006 từng đưa Hamas lên nắm quyền và phong trào này được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ. Tuy nhiên, thế giới đều biết phần còn lại của câu chuyện và kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở Gaza thông qua sức mạnh quân sự, tất cả mọi hình thức của tiến trình dân chủ đã bị đình chỉ.

Ông Rajab giải thích rằng những luận điểm trên cho thấy người dân Palestine không nên quá lạc quan rằng Hamas nghiêm túc trong việc tổ chức các cuộc bầu cử với sự chính trực hoặc trung thực. Tổng thống Abbas mới đây đã yêu cầu ông Nasser ngay lập tức khởi động lại đàm phán với các bên và đảng phái khác nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội và cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra sau đó vài tháng.

Hamas đã đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử, song yêu cầu cuộc bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống được tổ chức đồng thời và không ngắt quãng như Tổng thống Abbas đề nghị. Bên cạnh đó, Hamas kêu gọi Fatah chấp nhận một sáng kiến của 8 bên để chấm dứt sự chia rẽ.

Cho đến nay, Fatah chưa đưa ra phản hồi chính thức cho những sáng kiến này, song một số lãnh đạo của đảng này tuyên bố với truyền thông rằng điều đó là không cần thiết và Hamas cần tuân thủ thỏa thuận hòa giải đã ký tại thủ đô Cairo (Ai Cập) năm 2017.

Tóm lại, sự chia rẽ và mất lòng tin giữa các phe phái tại Palestine một lần nữa cho thấy kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống vẫn còn là một chặng đường lắm chông gai và đầy thách thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục