Những yếu tố chi phối tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2020

Chuyên gia kinh tế trưởng Junichi Makino tại SMBC Nikko Securities dự báo chính sách kích thích kinh tế bổ sung cần được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2020, nếu Thủ tướng Abe xem xét giải tán Hạ viện.
Những yếu tố chi phối tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2020 ảnh 1Kiểm tiền mệnh giá 10.000 yen tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2020, giữa bối cảnh chính sách tăng thuế tiêu dùng kết hợp với đà tăng trưởng ì ạch của kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực đến hoạt động chi tiêu và xuất khẩu của nước này.

Dự đoán này đến vào thời điểm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2020, theo ước tính trung bình của 35 nhà kinh tế chuyên về lĩnh vực tư nhân thuộc Trung tâm Dự báo nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản.

Nếu điều này trở thành sự thật, đây là sẽ là năm tăng trưởng yếu kém thứ hai được ghi nhận chỉ trong sáu năm qua.

Các số liệu kinh tế đã cho thấy động thái tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% của Tokyo từ ngày 1/10/2019 đang tác động tiêu cực đến tiêu dùng tư nhân.

Theo đó, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 10 đã giảm lần đầu tiên trong 11 tháng, trong khi doanh số bán lẻ trong cùng kỳ cũng ghi nhận mức giảm hàng năm lớn nhất của hơn bốn năm.

Shunsuke Kobayashi - một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Daiwa - cho biết, động thái nâng thuế tiêu dùng dự kiến sẽ làm tăng gánh nặng thuế của các hộ gia đình Nhật Bản thêm khoảng 2.000 tỷ yen trong năm tài khóa 2020, dù đã tính đến chương trình thưởng điểm mua sắm dành cho các giao dịch mua hàng không dùng tiền mặt được chính phủ giới thiệu để giảm thiểu tác động của chính sách thuế cao hơn.

[Triển vọng kém sáng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2020]

Đồng quan điểm này, Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Meiji Yasuda Life Insurance Co., cho biết: "Việc tăng thuế sẽ dẫn đến sự tạm dừng trong tốc độ cải thiện thị trường lao động. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ ở trong tình trạng tạm lắng."

Bên cạnh những vấn đề nội tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ tiếp tục là yếu tố kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Xứ hoa Anh đào nếu Tổng thống Donald Trump chọn cách đẩy mạnh chính sách kinh tế "Nước Mỹ trước tiên" của mình.

Ngoài ra, xuất khẩu - một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản - dự kiến sẽ tiếp tục trong tình trạng sụt giảm sau khi giảm tháng thứ 12 liên tiếp tính đến tháng 11/2019.

Điều này phản ánh sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có việc các lô hàng phụ tùng ô tô và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc - nước mua hàng lớn nhất của Nhật Bản - sụt giảm.

Trung Quốc đang chịu những tác động của tranh chấp thương mại với Mỹ và triển vọng kinh tế của nước này vẫn không chắc chắn ngay cả khi thỏa thuận giai đoạn một đã được ký kết. Trong khi đó, lời kêu gọi trong thời gian dài của Tổng thống Trump về việc cải thiện thâm hụt thương mại với Nhật Bản cũng mang lại rất ít hy vọng rằng xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nhu cầu xuất khẩu các bộ phận điện tử cho dịch vụ mạng không dây 5G sang một số thị trường của Nhật Bản đang tăng lên, song căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại, và xuất khẩu ít có khả năng tăng mạnh trở lại.

Các tranh chấp thương mại đã khiến Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hạ dự báo tốc đọ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 2,9%.

Thậm chí, OECD cảnh báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 có thể yếu hơn, do sự không chắc chắn về tác động của việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cũng như việc các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc chưa mang lại hiệu quả.

Chuyên gia Kobayashi của Daiwa nói: “Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu và xu hướng xuất khẩu sụt giảm tại Nhật Bản sẽ là những yếu tố tác động tiêu cực lớn đến GDP của nước này."

Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng gói kích thích kinh tế trị giá 26.000 tỷ yen (237 tỷ USD) của Chính phủ Nhật Bản, cùng các khoản chi tiêu liên quan tới Thế vận hội Olympics và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) tại Tokyo, sẽ là những yếu tố giúp củng cố nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Các chuyên gia tin rằng tất cả áp lực giảm giá ở trong và ngoài nước sẽ được giảm bớt phần nào bởi gói kích thích kinh tế được Tokyo công bố hồi tháng 12/2019.

Kế hoạch này bao gồm tăng cường chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng sau những thảm họa thiên nhiên lớn và chương trình giảm giá cho các khoản thanh toán không dùng tiền mặt mà chính phủ hy vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng.

Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng những biện pháp này sẽ giúp đẩy tăng trưởng GDP của Nhật Bản lên mức 1,4% trong ba năm, tới năm tài chính 2021.

Trong khi đó, các chương trình Thế vận hội Olympics và Paralympic diễn ra tại Tokyo từ ngày 24/7 đến ngày 6/9 dự kiến sẽ mang về 747,5 tỷ yen cho nền kinh tế, theo báo cáo do SMBC Nikko Securities Inc. công bố. Hai sự kiện này được cho là sẽ thúc đẩy đáng kể hoạt động chi tiêu của các du khách nước ngoài và trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại rằng hoạt động kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục suy giảm sau khi các chương trình Olympics và Paralympic kết thúc.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế trưởng Junichi Makino tại SMBC Nikko Securities dự báo rằng các chính sách kích thích kinh tế bổ sung sẽ cần được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2020, nếu Thủ tướng Shinzo Abe xem xét giải tán Hạ viện để tiến hành bầu cử nhanh chóng sau Thế vận hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục