Ninh Thuận tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch chính

Ninh Thuận có khí hậu ít mưa, nhiều nắng, có bờ biển dài 105km với tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, có nhiều loại cây trồng, vật nuôi đặc thù.
Vẻ đẹp thơ mộng của vịnh Vĩnh Hy nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Vẻ đẹp thơ mộng của vịnh Vĩnh Hy nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Chiều 30/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội.

Dự sự kiện có đại diện các bộ, ngành Trung ương, Hà Nội; đại diện Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế và đông đảo doanh nghiệp du lịch.

Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh Ninh Thuận tới các nhà đầu tư du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Hà Nội.

Hoạt động này là cơ hội đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với thị trường trọng điểm thành phố Hà Nội; đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận; thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng ngành Du lịch tỉnh.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt-Nha Trang-Phan Rang.

Vùng đất này có khí hậu ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm ít chịu ảnh hưởng của bão, có bờ biển dài 105km với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng, trong đó Vườn quốc gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, vịnh Vĩnh Hy là một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam, nghệ thuật văn hóa Chăm đặc sắc…

[Ninh Thuận dành 21 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh]

Bên cạnh đó, với lợi thế tự nhiên là nhiều nắng quanh năm, Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi đặc thù, là tiềm năng để phát triển du lịch như nho, táo, tỏi, măng tây, dê, cừu…

Thực tế, Ninh Thuận đã dần trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.

Theo định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương sẽ phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Ninh Thuận tập trung ưu tiên xây dựng, phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính. Nhóm 1 là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa.

Nhóm 2 gồm 4 sản phẩm mới lạ như du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát-Muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Ninh Thuận tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch chính ảnh 1Du khách tham quan các gian hàng nông sản Ninh Thuận trong khuôn khổ "Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022". (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Nhóm 3 gồm 4 sản phẩm bổ trợ du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển không gian các vùng du lịch trọng điểm. Không gian trung tâm là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các khu vực phụ cận, là khu vực tập trung cao nhất cơ sở vật chất ngành du lịch của tỉnh. Tại đây, tỉnh sẽ xây dựng sản phẩm du lịch: Du lịch đô thị-di sản-nghỉ dưỡng biển-ẩm thực.

Không gian phía Đông Bắc bao gồm phần lớn diện tích huyện Ninh Hải là khu vực tập trung những tiềm năng có giá trị lớn nhất của du lịch Ninh Thuận, đồng thời cũng là không gian du lịch trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng. Khu vực này sẽ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái biển-rừng-nông nghiệp.

Không gian phía Nam bao gồm dải ven biển Mũi Dinh-Cà Ná là không gian phát triển du lịch mới của tỉnh Ninh Thuận, gắn với các sản phẩm độc đáo, khẳng định thương hiệu du lịch Ninh Thuận mới trong khu vực và cả nước. Sản phẩm du lịch nơi đây sẽ là du lịch nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát-muối-biển.

Không gian phía Tây, Tây Bắc thuộc phạm vi các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc sẽ được xây dựng sản phẩm du lịch: Du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái rừng-thác và săn bắn bán hoang dã.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục được phát triển nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng đất nắng gió Ninh Thuận.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 203 cơ sở với 4.400 phòng, trong đó số phòng tiêu chuẩn 3 sao trở lên đạt 50%.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam khẳng định thời gian tới, Ninh Thuận sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động kinh doanh du lịch, bất động sản du lịch, khai thác tốt nhất nội lực, xây dựng tỉnh trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, khác biệt, với những trải nghiệm thú vị.

Nhân dịp này, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và các đơn vị trong tỉnh với một số đối tác, doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục