Lễ hội gội đầu Sơn La

Nô nức lễ hội gội đầu ven hồ sông Đà tại Sơn La

Người dân vùng Thái trắng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, Ngọc Chiến, Mường La (Sơn La) nô nức xuống sông làm lễ gội đầu.
Ngày 2/2 (tức ngày 30 Tết Tân Mão), người dân vùng Thái trắng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, Ngọc Chiến, Mường La (tỉnh Sơn La) nô nức xuống sông làm lễ gội đầu.

Lễ hội chính diễn ra vào chiều 30 Tết do dân các bản tự tổ chức. Bà con các bản đua nhau đánh trống, chiêng, rồi hò reo đón năm mới. Có nơi còn tổ chức múa xòe, làm nghi lễ cúng thần sông, thần suối, kèm theo là tổ chức các trò chơi dân gian. Từ già trẻ, gái trai, mọi thành viên trong bản đều tham gia lễ hội gội đầu.

Theo quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là để rửa trôi đi những điều không may mắn như bệnh tật, ốm đau, hoạn nạn của năm cũ, cầu cho năm mới con người có sức khỏe, gặp điều hay. Lễ hội này là của đồng bào Thái trắng sinh sống ven thượng nguồn sông Đà thuộc các tỉnh Tây bắc.

Ông La Văn Thêu ở bản tái định cư Chẩu Quân, thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai cho biết, theo lịch Thái Mường Chiên hết chiều 30 Tết là sang ngày mới rồi. Nó tựa như thời khắc giao thừa vậy. Mọi người tắm gội để được mặc quần áo mới và khẩn trương hoàn tất những công việc còn lại để đón Tết.

Trước đây, trong lễ hội gội đầu, đàn ông (chủ nhà) mang súng kíp ra bờ sông bắn đón năm mới, nay không bắn súng mà được thay bằng thi bắn nỏ, đánh trống chiêng. Họ đem theo túi thổ cẩm nhỏ gọi là “Thung Sanh” (túi đựng bùa hộ mệnh và vật thiêng-theo quan niệm của người Thái). Để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, người Quỳnh Nhai vẫn tổ chức lễ hội Lung Ta (lễ hội gội đầu) rất bài bản vào chiều 30 Tết hàng năm.

Ông Lừ Chiến giải thích thêm về lễ hội gội đầu, trước đây khi nước sông Đà chưa ngập thành hồ, ở huyện lỵ Quỳnh Nhai (cũ) có một khu rừng được người dân gọi là Đông Nàng Han, bên cạnh có ngôi miếu cổ thờ một vị nữ tướng có công dẹp giặc phương bắc. Nó gắn với truyền thuyết Nàng Han (nữ anh hùng).

Trong phần lễ được ông thầy mo (nay là ông trưởng bản hoặc trưởng dòng họ) chủ trì với bài khấn, trong đó có đoạn kể về Nàng Han, một vị nữ tướng, con gái của một tộc trưởng đóng giả trai tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, đuổi đến tận bờ cõi Mường Xo (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết âm lịch.

Buổi chiều ngày đó, Nàng Han lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Từ đó đến nay người Thái vùng Quỳnh Nhai (Sơn La), Mường Lay, Mường Xo (thuộc hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu) vẫn còn lưu lại phong tục này, đó là lễ Lung Ta (xuống bến nước làm lễ gội đầu)./.

Điêu Chính Tới (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục