Nữ Cơ phó Vietnam Airlines: 'Phấn khích khi được bay lượn bầu trời'

Nữ Cơ phó Vietnam Airlines: 'Phấn khích được bay lượn bầu trời’

Trong một lần ngồi trước cửa nhà, cô nhìn thấy một phi công kéo vali đi qua và hình ảnh đó đã hằn sâu vào trong đầu để sau đó phấn đầu trở thành một nữ phi công.
Phạm Hoàng Mỹ Phụng, Cơ phó trẻ nhất của đội bay Airbus A321 của Vietnam Airline. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Phạm Hoàng Mỹ Phụng, Cơ phó trẻ nhất của đội bay Airbus A321 của Vietnam Airline. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước cửa nhà chờ dành cho phi công, từ xa có một cô gái tóc dài, gương mặt xinh xắn, bầu bĩnh đang rảo bước nhanh tới vị trí dành cho tổ bay. Trong bộ trang phục phi công, Phạm Hoàng Mỹ Phụng, Cơ phó trẻ nhất của đội bay Airbus A321 của Vietnam Airline đang bàn thảo cùng các thành viên tổ bay cho chuyến bay trong ngày.

Cơ duyên trở thành phi công

“Em là đứa bánh bèo, được bố mẹ ấp trong trứng,” Phụng vui vẻ tự giới thiệu về mình. Cô gái sinh năm 1993, lớn lên trong gia đình đông anh em, được bố mẹ định hướng phát triển ngay từ khi còn nhỏ. Nghề phi công đến với Phụng cũng là do lựa chọn của bố, sau khi cô rời Canada về Thành phố Hồ Chí Minh thăm nhà.

Thời điểm đó, Phụng vừa hoàn thành 2 năm cao đẳng, dự định làm cô giáo mầm non ở Canada. Trong chuyến về Việt Nam chơi, cô tình cờ thi đỗ Tiếp viên hàng không nhưng lại được bố gợi ý đến với ngành phi công. Năm năm du học đã rèn cho Phụng phong cách sống độc lập, không thích đi theo định hướng từ người khác. Nhưng vì nghe lời bố, cô vẫn cố qua Mỹ thử sức.

Sau sáu tháng học, Phụng hoàn thành được chứng chỉ đầu tiên, cũng là phần khó nhất trong chương trình đào tạo phi công cơ bản. Đến lúc đó, cô vẫn chưa thực sự tìm được niềm  đam mê với nghề. Phụng quyết định xin bố mẹ về Việt Nam để suy nghĩ lại con đường phát triển cũng như sở thích thực sự của bản thân.

[“Tết là ngày phục vụ, nối những nhịp cầu sum họp gia đình”]

Với tâm thế đó, trong một lần ngồi trước cửa nhà, cô nhìn thấy một phi công kéo vali đi qua. Hình ảnh đẹp khơi gợi nhiều cảm xúc, khiến cô chợt nghĩ: “nếu mình cố gắng cũng sẽ đạt được vị trí như họ.” Nghĩ là làm, Phụng nhanh chóng quay lại Mỹ để theo học chứng chỉ tiếp theo. Với sự quyết tâm, cô hoàn thành rất nhanh và trở về Việt Nam sau khoảng 1,5 năm đào tạo.

Năm 2016, Phụng thi tuyển thành công vào Vietnam Airline, tiếp tục tham gia học chuyển loại và các khóa huấn luyện khác. Cô chia sẻ, muốn trở thành Cơ phó, ngoài việc nắm vững kiến thức về cấu tạo, kỹ thuật bay… nói chung, còn phải trải qua 7-9 bài thi bay mô phỏng và một bài kiểm tra trên buồng lái thực tế. Sau đó, các học viên sẽ được đi bay chung các thầy - cơ trưởng 4 vạch, huấn luyện tay nghề đạt 250 giờ bay mới được “thả” làm Cơ phó chính thức.

Từng có ý nghĩ bỏ cuộc ngay khi bắt đầu, nhưng đến nay, bay lượn, làm chủ bầu trời trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống của Phụng. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát, gần mấy tháng ngành hàng không đóng băng, Phụng nhớ nghề đến cồn cào.

“Ngày 16/5, em được đi bay trở lại. Đó là chuyến đi Hà Nội, cần có mặt lúc 4 giờ để cất cánh vào sáng sớm nhưng bản thân rất hồi hộp, phấn khích đến không ngủ. Được giao lưu, nói chuyện với mọi người, hoàn thành chuyến bay đưa đón khách chưa bao giờ vui đến vậy,” cô kể lại.

Mỗi người là một ngôi sao

Là bóng hồng hiếm hoi ở đội bay, Phụng cho biết với nữ giới, nghề phi công có khó khăn là phải thời gian huấn luyện phải phơi nắng, đồng thời chân tay phái nữ thì yếu hơn, tính quyết đoán ít hơn so với nam giới.

“Cái khó lớn nhất vẫn chính là việc sinh con, nghỉ thai sản. Nếu như các chị tiếp viên có em bé, sẽ nghỉ khoảng 15 tháng sau đó học lại một lớp từ 2-3 tháng thì cánh phi công phải học từ đầu trong sáu tháng tới một năm, vất vả hơn nữa,”cô Cơ phó nói.

Tuy nhiên, cô cũng nhìn nhận điểm dễ với các nữ phi công đó là sự mềm mại, giúp tạo bầu không khí thoải mái trên buồng lái. Khi điều hành một chuyến bay có nhiều áp lực, cơ trưởng rất mệt mỏi, nếu đi cùng phi công nam thường mạnh ai nấy làm. Con gái thì nói chuyện dễ gần, dịu dàng, có cách thuyết phục nhẹ nhàng và hợp lý hơn.

[Nữ nhân viên hàng không Vietnam Airlines có bốn năm đón Tết ở sân bay]

Khi được hỏi về điều quan trọng nhất đối với người phụ nữ, cơ phó cho rằng đó là sự uyển chuyển. “Dù mình đúng, nhưng uyển chuyển dẫn dắt người đàn ông xử lý thì câu chuyện sẽ khác. Môi trường công việc vốn phải cứng nhắc, các anh ngồi ghế phi công đều rất quyết đoán, mình không cần quá mạnh mẽ với họ, bản thân thích ngọt ngào thì cũng nên ứng xử với người khác như vậy,” Phụng chia sẻ.

Nữ Cơ phó Vietnam Airlines: 'Phấn khích được bay lượn bầu trời’ ảnh 1Nữ Cơ phó Phạm Hoàng Mỹ Phụng thích thú khi được bay lượn bầu trời và đưa đón khách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đối với mục tiêu tương lai, Phụng đang phân vân giữa việc lập gia đình hay cố gắng đổi sang ghế cơ trưởng. Có người thích lên tàu to, bay xa, du lịch, có người thì thích bay gần để về nhà ăn cơm với gia đình.

“Em đã chạm ngưỡng 28 tuổi rồi, đang ở giữa 2 luồng suy nghĩ trên, nhưng hiện tại 70 % vẫn đang hướng về công việc. Đã là cơ phó 3,5 năm, nhưng còn phải học rất nhiều, mỗi ngày một tình huống, có những tình huống bất chợt, xảy ra không thường xuyên, phải học đón nhận, tìm phương pháp xử lý,” Phụng thành thật nói.

Trong cuộc sống, Phụng tâm đắc nhất câu nói “ngôi sao không tỏa sáng ban ngày, nhưng chắc chắn sẽ tỏa sáng vào buổi tối.” Cô cho rằng, cuộc đời sẽ có những lần đi lên đi xuống rất nhiều, bản thân mỗi người là một ngôi sao, chắc chắn sẽ tỏa sáng vào khó khăn nhất.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, nữ Cơ phó cũng gửi lời chúc các chị, cô, dì và các bạn có ngày 20/10 nhiều niềm vui, yêu thương của người đàn ông bên cạnh mình bởi dù sao một người phụ nữ mạnh mẽ đến đâu, có bờ vai vững chắc vẫn là tốt nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục