Nước mặn xâm nhập gây nhiều thiệt hại ở Bến Tre

Theo Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Bến Tre, nước có độ mặn 4 phần ngàn đã vào sâu trong đất liền từ 45-60km, gây nhiều thiệt hại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, nước có độ mặn 4 phần ngàn đã vào sâu trong đất liền từ 45-60km, gây nhiều thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi, nặng nhất là cây lúa với 2.000ha bị giảm năng suất từ 30-60%; trong đó huyện Ba Tri, huyện có diện tích lúa lớn nhất tỉnh, thiệt hại 1.300ha.

Nguyên nhân diện tích lúa bị thiệt hại nhiều nhất là do nông dân gieo sạ vụ Đông Xuân trễ hơn lịch thời vụ trên dưới một tháng. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi, đê bao chưa đồng bộ, khép kín nên nước mặn vào sâu trong nội đồng.

Đặc biệt là dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, tưới tiêu cho 115.000ha đất nông nghiệp, mới xây dựng công trình cống đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai (một trong chín cửa của sông Cửu Long) mà chưa được đầu tư thi công hạng mục cống và âu thuyền trên sông Giao Hòa và Chẹt Sậy nên nước mặn theo hai con sông này đổ vào sông Ba Lai.

Ngày 1/4 vừa qua, sông Giao Hòa tại xã Giao Hòa ở huyện Châu Thành, độ mặn đo được là 1,9 phần ngàn, trong khi chỉ 1 phần ngàn, lúa đã bị lép hạt.

Ngoài lúa, hàng chục ngàn ha cây ăn trái, dừa, mía, cacao, bưởi đặc sản da xanh ảnh hưởng nước mặn rụng trái non, giảm năng suất. Hơn 1.230ha nuôi cá tra ở ven sông Hàm Luông như Sơn Phú, Phước Long, Hưng Phong, Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông thuộc huyện Giồng Trôm, ảnh hưởng nước mặn năng suất bị giảm 20-30%. Tổng thiệt hại khoảng 560 tỷ đồng.

Mặt khác, nước mặn lên cao đẩy giá nước sinh hoạt lên 30.000 đồng/m3, làm cho đời sống người dân vùng nhiễm mặn thêm khó khăn.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bến Tre cảnh báo trong những ngày tới nước mặn tiếp tục vào sâu, nước có độ mặn 1 phần ngàn vượt qua thành phố Bến Tre đến các xã đầu nguồn như Phú Sơn, Phú Mỹ, Hưng Khánh Trung của huyện Chợ Lách; An Hiệp, Tiên Thủy, Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành./.

Văn Trí (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục