Nước Mỹ có nói 'không' với việc thành lập liên minh NATO Arab?

Trang mạng National Interest mới đây đăng bài viết "Tại sao Mỹ nên nói 'không' với NATO Arab," nội dung như sau: Có lẽ cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi không phải là vô ích.
Nước Mỹ có nói 'không' với việc thành lập liên minh NATO Arab? ảnh 1Nhà báo Jamal Khashoggi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng National Interest mới đây đăng bài viết "Tại sao Mỹ nên nói 'không' với NATO Arab," nội dung như sau: Có lẽ cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi không phải là vô ích.

Vụ sát hại nhà báo này được cho là do nhà nước Saudi Arabia đứng đằng sau cho thấy sự tàn nhẫn của những nhà lãnh đạo vốn được Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá là "một đồng minh thực sự rất ấn tượng."

Nhiều đánh giá nêu việc, sự tàn nhẫn bất chấp của Thái tử Mohammed bin Salman (MbS) sẽ chấm dứt các cuộc thảo luận với Mỹ về việc thành lập NATO Arab, một mô hình tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việc thành lập thêm một liên minh quân sự mới dường như phụ thuộc vào bước đi nghiêm túc của vị Tổng thống Mỹ, người thường xuyên chỉ trích tất cả đồng minh "moi tiền" của Mỹ.

Một số quan chức Chính quyền Mỹ đã nói về việc thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA). Liên minh này được phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia giải thích là "sẽ phục vụ như một lực lượng chống một Iran hiếu chiến, chủ nghĩa khủng bố và cực đoan và sẽ mang đến ổn định cho Trung Đông."

Đề xuất thống nhất Ai Cập, Jordan và 6 nước vùng Vịnh, tất cả các vùng đất của người Hồi giáo Sunni để chống lại Hồi giáo Shiite và Iran thông qua MESA là một thảm họa khác. Liên minh này tìm cách giải quyết một vấn đề không tồn tại.

Iran không gây ra thách thức đối với Mỹ. Ngoài ra, Vùng Vịnh không còn quá quan trọng vào giai đoạn hiện nay.

Về dầu mỏ, Mỹ đang nổi lên là quốc gia sản xuất năng lượng khổng lồ và các nguồn năng lượng thay thế trên khắp thế giới ngày càng được chú trọng phát triển. Hiện Mỹ cũng không có "kẻ thù" muốn bá chủ khu vực như Liên Xô cũ đe dọa kiểm soát Trung Đông và tài nguyên tại khu vực này.

Thêm vào đó, mối quan tâm khác của Mỹ là Israel, một cường quốc hạt nhân tại khu vực, không cần sự hỗ trợ quân sự của Washington.

Trên thực tế, khu vực này đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc mà không cần sự hiện diện quy mô lớn của Mỹ.

Libya và Yemen đang trong tình trạng chiến tranh, Syria đang phục hồi sau cuộc chiến tàn khốc kéo dài 7 năm, Hồi giáo cực đoan đã bị đánh bại tại Iraq, Liban đang bị chia rẽ về mặt chính trị và suy yếu nội bộ, Jordan dường như cũng rất mong manh, trong khi Bahrain và Ai Cập đang phải đối phó với các phong trào dân chủ trong nước.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tiếp tục diễn ra bình thường tại khu vực. Mỹ ít khi chú ý đến những cuộc khủng hoảng xảy ra thường xuyên ngoại trừ việc các chính phủ sai lầm đẩy cuộc khủng hoảng đó vào các cuộc tranh cãi và xung đột khác.

[Mỹ và NATO thảo luận vấn đề chia sẻ gánh nặng quốc phòng]

Về phần chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, khủng bố chủ yếu thuộc dòng Hồi giáo Sunni và được các nước vùng Vịnh cung cấp tài chính ở các mức độ khác nhau. Các nước này cũng hậu thuẫn các nhóm cực đoan tại Libya và Syria và đã để cho al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác hoạt động tại Yemen.

Ngoài ra, nhóm thiểu số Sunni tại Bahrain và nhà độc tài quân sự tại Ai Cập cũng đang khuyến khích sự trả thù cực đoan tại các nước này.

Trong bối cảnh đó, MESA sẽ gây ra mâu thuẫn tôn giáo hơn nữa tại khu vực, đẩy các nước có quan hệ với Tehran phải hành động chống Iran trong khi làm cho Iraq ngày càng đứng về phía Iran.

Ai Cập và Jordan cũng sẽ bị kéo vào sự đối đầu tại khu vực khi phải ủng hộ chương trình chống Iran do Bahrain, Saudi Arabia và UAE đưa ra.

Liên minh gồm 8 thành viên này cũng có ít điểm chung. Bahrain, Saudi Arabia và UAE rất thù địch với Iran và không ngừng đàn áp ở trong nước. Kuwait, Oman và Qatar có khuynh hướng trung lập hơn trong định hướng chính sách đối ngoại.

Chính sách cân bằng của Jordan cơ bản độc lập với Iran. Ai Cập ít quan tâm đến Iran, thay vào đó là làm tất cả những gì cần thiết để nhận viện trợ từ Riyadh và Abu Dhabi. Nói cách khác, sự thống nhất thực sự của một MESA tiềm năng chỉ là ảo tưởng.

Trên thực tế, một liên minh như vậy chỉ làm hài lòng Saudi Arabia và UAE bởi nó sẽ trở thành một cơ chế cho các nước này lôi kéo Washington chống Iran. Những nước đề xuất thành lập MESA đều là các nước có nền kinh tế lớn, sở hữu quân đội thiện chiến và có quan hệ gần gũi với Washington. Bahrain và Ai Cập ủng hộ liên minh này.

Riyadh và Abu Dhabi đã lãnh đạo một chiến dịch không thành công nhằm cô lập Qatar và chấm dứt chính sách đối ngoại độc lập của nước này.

Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đang cạnh tranh với Saudi Arabia về vai trò lãnh đạo khu vực có thể thân thiết với Iran trong nỗ lực thiết lập cân bằng tại khu vực.

Thực tế, đặt quyền lực Mỹ phía sau một tổ chức như vậy sẽ thúc đẩy cho bá quyền khu vực của Saudi Arabia và UAE.

Bằng việc lôi kéo Mỹ tham gia trực tiếp vào đối đầu với Iran và cho phép tăng cường ảnh hưởng của Riyadh đối với chính sách của Mỹ, MESA sẽ khuyến khích Tehran gia tăng năng lực tên lửa và cân nhắc lại chương trình hạt nhân.

Iran có lý do để sợ Mỹ, quốc gia đã phát động cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được dân bầu tại Iran năm 1953 và đã hậu thuẫn ông Saddam Hussein tại Iraq khi nước này phát động chiến tranh chống Iran.

Hiện nay, Mỹ đã áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Iran và trực tiếp thách thức lợi ích an ninh của Iran tại các nước láng giềng như Syria.

Trên hết, Washington đã vũ trang đầy đủ cho kẻ thù lớn nhất của Iran là Saudi Arabia và đã công khai đe dọa chiến tranh.

MESA sẽ kéo các lực lượng Mỹ thậm chí tiếp cận gần hơn Iran và cho phép Saudi Arabia thêm ảnh hưởng đối với chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Kết quả là Tehran sẽ có quá ít lựa chọn ngoại trừ tìm cách cải thiện năng lực răn đe chống lại một cuộc tấn công, bao gồm khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Một tổ chức như MESA sẽ cho phép Saudi Arabia đưa Mỹ vào chương trình điên rồ do Thái tử Mbs vạch ra. Bằng cách thắt chặt mối quan hệ chính trị và quân sự, một liên minh như vậy có nguy cơ lôi kéo Mỹ vào một loạt đối đầu và xung đột do Saudi Arabia gây ra.

Cần lưu ý rằng, Thái tử Mbs đã xâm lược Yemen, hậu thuẫn các nhóm phiến quân cực đoan tại Syria, bắt cóc Thủ tướng Liban và sử dụng quân đội để gia tăng đàn áp trong nước, biến một thể chế quân chủ thành một chính quyền cá nhân độc tài, bắt cóc và sát hại những người chỉ trích sống ở nước ngoài mà gần đây nhất là vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mbs, Saudi Arabia đã chuyển từ cơ chế lãnh đạo đồng thuận trở thành cơ chế lãnh đạp cực đoan một phía. Thái tử Mbs đang làm bất ổn khu vực, gây tổn hại cho nước Mỹ.

Ngoài ra, một tổ chức như MESA sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm với một vị Tổng thống như ông Trump. Sau khi chỉ trích Saudi Arabia trong chiến dịch tranh cử, Trump lập tức quay lại ủng hộ Thái tử Saudi Arabia, tự thuyết phục bản thân rằng nước Mỹ không thể hoạt động tại Trung Đông mà không lựa chọn các ưu tiên của Thái tử Mbs.

Một tổ chức NATO Arab sẽ khuyến khích Saudi hành động thậm chí còn hơn cả các thành viên châu Âu tham gia thành lập tổ chức NATO - cố gắng định hướng chính sách của Mỹ trong khi hạn chế tối đa các đóng góp của nước mình đối với các nỗ lực tập thể.

Chính sách của Mỹ tại Trung Đông và Bắc Phi đã đủ tồi tệ. Chính sách đó đã sụp đổ hay nói chính xác hơn là một sự thất bại hoàn toàn.

Washington đã can dự vào 3 cuộc nội chiến (Liban, Lybia, Yemen) và áp đặt thay đổi chế độ thông qua đảo chính (Iran) và chiến tranh (Iraq, Libya). Mỹ đã hậu thuẫn các nhà độc tài (Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia) và ủng hộ các cá nhân độc đoán ở mức độ thấp hơn (các nước Vùng Vịnh, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ).

Mỹ cũng đã hậu thuẫn các cuộc đối đầu khốc liệt (Iraq và Iran, Saudi Arabia và UAE với Yemen) và áp đặt trừng phạt (Iran, Libya, Sudan, Syria).

Cuối cùng, Washington đã không thực hiện chính sách kiểm soát (để Israel chiếm đóng vùng đất của người Palestine). Rất ít trong các chính sách này của Mỹ thành công, thay vào đó Mỹ đã tạo ra sự hỗn loạn, điều mà Mỹ lại sử dụng để lấy cớ can dự lần này đến lần khác.

Tại sao Mỹ thực hiện chính sách như vậy, như Tổng thống đã chỉ ra, Saudi Arabia mua mọi thứ từ Mỹ. Đây không thể là căn cứ cho việc ra chính sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục