Nước Nga nỗ lực thoát khỏi tình thế bị cô lập ngoại giao

Nga đang phải đối mặt với khả năng bị cô lập nặng nề. Nga sẽ muốn thể hiện giới hạn của sự cô lập này thông qua các khuôn khổ khu vực cho phép quân đội Nga đóng vai trò chi phối.
Nước Nga nỗ lực thoát khỏi tình thế bị cô lập ngoại giao ảnh 1Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng lowyinstitute.org đưa tin vì các hành động của mình, Nga phải đối mặt với khả năng bị cô lập nặng nề. Nga sẽ muốn thể hiện giới hạn của sự cô lập này thông qua các khuôn khổ khu vực cho phép quân đội Nga đóng vai trò chi phối.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) là một khuôn khổ như vậy, với bối cảnh chính là Trung Á.

Để chứng minh rằng vị thế của mình trong khu vực vẫn nguyên vẹn, Nga sẽ chủ động hành động để làm chệch hướng và phủ nhận bất kỳ mối lo ngại nào của các đối tác về tính hiệu quả của nước này với tư cách là một "chiếc ô an ninh."

Nếu quân đội Nga cho thấy họ có vẻ như đã bị suy yếu và không thể bảo đảm an ninh cho các thành viên CSTO, và Trung Quốc cảm thấy nước này cần phải lấp đầy khoảng trống đó, ảnh hưởng của Nga trong khu vực sẽ suy giảm rõ rệt, khiến ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết càng yếu đi.

Sức hấp dẫn của chủ nghĩa đa phương

Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas ngày 19/2 cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO có thể được cử đến Donbas nếu có "sự đồng thuận của quốc tế" về vấn đề này.

Trước đó, CSTO đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình lần đầu tiên vào tháng 1/2022 nhằm ổn định tình hình bất ổn ở Kazakhstan, theo yêu cầu của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.

[Nga muốn duy trì quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây]

Ngày 3/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đệ trình một nghị định thư lên Duma Quốc gia để phê chuẩn, theo đó cho phép triển khai lực lượng CSTO với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tất cả những điều này cho thấy một tương lai năng động hơn đối với CSTO.

Đặc biệt, nó cho thấy Nga là cường quốc dẫn đầu trong một tổ chức đa phương, chứ không phải là một lực lượng suy kiệt, bị cô lập và cô độc.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh vai trò an ninh của Nga trong khu vực bởi vì mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Trung Á, các nhà chức trách Kazakhstan đã kêu gọi CSTO, chứ không phải Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc lãnh đạo, giành quyền kiểm soát tình hình.

Tác động thứ cấp

Có vô số biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với Nga. Do mức độ hội nhập kinh tế của nhiều quốc gia Trung Á với Nga thông qua các tổ chức khu vực như Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), các quốc gia này cũng bị ảnh hưởng. Kiều hối từ những người lao động Trung Á ở Nga đóng một vai trò quan trọng trong các nền kinh tế này sẽ bị giảm đi một cách đáng kể.

Ví dụ, kiều hối chiếm 31,3% GDP của Kyrgyztan năm 2020, với phần lớn kiều hối của năm 2021 đến từ Nga. Các nhà phân tích dự báo lượng kiều hối của Kyrgyzstan sẽ giảm 33% trong năm 2022.

Những tác động gián tiếp từ các lệnh trừng phạt có thể kích động tình trạng bất ổn thông qua các vấn đề kinh tế và những mối bất bình trong cộng đồng người dân Trung Á, tương tự như tình trạng bất ổn ở Kazakhstan hồi tháng 1, tạo cơ hội và cớ để CSTO can dự ở Trung Á thông qua các phái bộ ổn định và can thiệp mà theo họ là nhằm ngăn chặn "các cuộc cách mạng màu" và những kẻ khủng bố.

Nhiều người Trung Á đang làm việc tại Nga sẽ buộc phải về nước khi các cơ hội việc làm bị thu hẹp. Làn sóng chủ yếu là các thanh niên trẻ trở về nước mà không có triển vọng phát triển kinh tế sẽ gây ra tình trạng bất ổn.

Nga có thể sẽ sớm được nhờ cậy để dập tắt tình trạng bất ổn dưới vỏ bọc của CSTO, trong khi tình trạng bất ổn đó phần lớn là do Điện Kremlin gây ra.

Những quan ngại an ninh

Tháng Hai vừa qua, Sergey Naryshkin, người đứng đầu Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga, đã bình luận về các mối đe dọa từ Afghanistan sau khi các lực lượng do Mỹ đứng đầu rút quân, trong đó việc buôn bán ma túy và khả năng các phần tử Hồi giáo cực đoan sử dụng lãnh thổ Afghanistan là các mối quan tâm chính của Nga.

Việc đấu tranh chống tệ nạn buôn bán ma túy ở Trung Á là ưu tiên đặc biệt đối với CSTO trong năm 2022.

Quân khu miền Trung của Nga đã tăng số lượng các cuộc tập trận chung với các nước Trung Á trong năm 2022, với lý do là để ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa quân sự mới trong khu vực; việc đào tạo cho các lực lượng Nga ở Tajikistan đã được tăng cường gấp đôi.

Mặc dù các quan chức Nga thường xuyên chỉ trích các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan, họ cũng là những người hưởng lợi từ các chiến dịch này, vì các nhóm khủng bố vừa là mục tiêu của các lực lượng do Mỹ dẫn đầu, vừa bận rộn nhắm mục tiêu vào các lực lượng do Mỹ dẫn đầu, khiến các nhóm này có rất ít cơ hội để có thể tổ chức các cuộc tấn công Trung Á.

Các nhóm khủng bố Trung Á hoạt động ở Afghanistan đang tái tập hợp. Một báo cáo gần đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lưu ý rằng Taliban đã không hạn chế hoạt động của các nhóm khủng bố và các chiến binh nước ngoài ở Afghanistan, thay vào đó “các nhóm khủng bố đang được hưởng tự do nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử hiện đại.”

Báo cáo này cũng nêu rõ mối quan ngại của nhiều quan chức Trung Á về mức độ tự do ở bên trong Afghanistan của các nhóm khủng bố Trung Á như Nhóm Thánh chiến Hồi giáo (IJG), Khatiba Imam al-Bukhari (KIB) và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU), với số lượng thành viên của các nhóm đều đang gia tăng thông qua việc chiêu mộ tại địa phương.

Taliban có kế hoạch thành lập một “đội quân lớn," sử dụng các trang thiết bị bị bỏ lại của Mỹ và của Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (ANSF), ngoài ra các quan chức Taliban còn cho biết các thành viên của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) được đào tạo để trở thành thành viên của ANSF sẽ gia nhập hàng ngũ này.

Mặc dù từ trước tới nay Taliban chỉ quan tâm đến lãnh thổ Afghanistan, song "một đội quân lớn" của Taliban có thể sẽ gây ra một mối đe dọa lớn hơn trong các trường hợp nếu như các sự kiện - ví dụ như cuộc giao tranh biên giới Taliban-Turkmenistan gần đây - leo thang, hoặc nếu mối quan hệ vốn đã căng thẳng với thành viên CSTO Tajikistan xấu đi.

Đáng lo ngại hơn, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Levant - Khorasan (ISIL-K) - hiện được đánh giá là đã phát triển lên gần 4.000 chiến binh ở Afghanistan, với tham vọng không chỉ giới hạn ở nước này.

Trong bối cảnh các vấn đề nhân đạo ở Afghanistan ngày càng gia tăng và khả năng chủ nghĩa bè phái quay trở lại Afghanistan, các tác động lan tỏa khác có thể sẽ khiến bất ổn tại khu vực thêm trầm trọng, khiến CSTO, với Nga đứng đầu, muốn can thiệp để giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục