Những nạn nhân đầu tiên

Nước nghèo, nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu

Lại một lần nữa, những nghiên cứu khoa học mới đã xác nhận rằng các nước nghèo sẽ là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu.
Lại một lần nữa, những nghiên cứu khoa học mới đã xác nhận rằng các nước nghèo sẽ là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu, mặc dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở các quốc gia này rất thấp.

Công bố mới đây của văn phòng Maplecroft ở Anh, chuyên nghiên cứu và đánh giá các nguy cơ toàn cầu, cho biết các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do khí hậu Trái Đất nóng lên đều là những nước nghèo ở phía Nam như Somalia, Haiti, Afghanistan và Sierra Leone.

Trong số 28 quốc gia được văn phòng này xếp vào danh sách "có nguy cơ bị ảnh hưởng cực kỳ cao", có đến 22 nước nằm ở khu vực cận Sahara ở châu Phi.

Ngân hàng Phát triển châu Á cũng công bố kết quả cuộc điều tra do cơ quan này thực hiện, cho thấy sự nóng chảy của các dòng sông băng tại Himalaya đang đe dọa an ninh lương thực và nước uống của 1,6 tỉ người ở Nam Á.

Báo cáo của Liên hợp quốc, trích dẫn từ Chiến lược quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro, cho biết có đến 8.866 vụ thiên tai đã xảy ra trong giai đoạn 1975-2008, cướp đi sinh mạng của 2,284 triệu người.

Riêng số nạn nhân thiệt mạng trong các trận lũ lụt từ năm 1990 đến năm 2007 đã tăng 13%. Thêm vào đó, tính dễ bị tổn thương của các bộ phận dân cư là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ của các thảm họa.

Nhật Bản và Philippines cùng phải hứng chịu số cơn bão như nhau, nhưng số người thiệt mạng ở Philippines cao gấp 17 lần so với Nhật Bản. Điều này cho thấy các nỗ lực phòng tránh và giảm thiểu rủi ro của chính phủ đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Robert Vos, Giám đốc Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc cảnh báo rằng: "Nếu chúng ta không làm giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những thiệt hại mà các nước nghèo phải hứng chịu sẽ cao gấp 10 lần so với những nước có nền kinh tế phát triển".

Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, tình hình sẽ xấu đi nếu các nước xem nhẹ yếu tố biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Do đó, mỗi năm thế giới cần đầu tư ít nhất 1% GDP toàn cầu, tương đương với 500 tỉ USD, cho nỗ lực để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất và thích ứng với các tác động tiêu cực của nó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục