OECD: Kinh tế Anh và Nga sẽ tăng trưởng yếu nhất trong G20

OECD dự báo kinh tế Anh sẽ tăng 3,6% vào năm 2022, mặc dù phần lớn mức tăng này là do phục hồi từ đại dịch COVID-19 vào cuối năm ngoái.
OECD: Kinh tế Anh và Nga sẽ tăng trưởng yếu nhất trong G20 ảnh 1Nhiều kệ hàng bị trống do thiếu hàng hóa tại một siêu thị ở Walthamstow, tây London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 9/6 đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Vương quốc Anh sẽ chững lại vào năm tới, và cùng với Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

OECD dự báo kinh tế Anh sẽ tăng 3,6% vào năm 2022, mặc dù phần lớn mức tăng này là do phục hồi từ đại dịch COVID-19 vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ giảm xuống 0% do nhu cầu giảm trong bối cảnh thu nhập hộ gia đình tiếp tục bị thắt chặt.

Theo OECD, lạm phát cao tiếp tục ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình và doanh nghiệp vào năm 2023 cùng với một đợt tăng thuế mới là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kinh tế yếu của Anh trong năm tới. Tổ chức này dự báo lạm phát tại Anh sẽ đạt mức hai con số vào cuối năm nay và trung bình ở mức 7,4% trong năm tới.

Nói về những điểm yếu cụ thể của kinh tế Anh so với các nước giàu có khác, nhà kinh tế trưởng của OECD, Laurence Boone, cho biết Anh là nước duy nhất phải đối mặt cùng một lúc với lạm phát cao, lãi suất tăng và thuế tăng.

Theo bà Boone, lạm phát tại Anh cao so với các nước OECD khác trong G20 là một vấn đề. Vấn đề khác là việc thắt chặt tiền tệ nhanh chóng để phản ứng với lạm phát, khiến Anh đang có mức củng cố tài khóa cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

[Kinh tế Anh sẽ thiệt hại 70 tỷ bảng nếu EU cấm nhập khí đốt của Nga]

Bà Boone cho rằng sản xuất bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu và Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) nằm trong số các nguyên nhân lý giải mức tăng trưởng yếu của Anh.

Theo OECD, tình trạng thiếu nguồn cung và lao động kéo dài có thể buộc các công ty phải giảm công suất hoạt động lâu dài, hoặc đẩy lạm phát tiền lương lên cao hơn.

Phản ứng với báo cáo của OECD, Bộ Tài chính Anh cho biết nước này không thể tách biệt hoàn toàn khỏi những áp lực toàn cầu, song chính phủ đang hỗ trợ người dân trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Bộ Tài chính đã ra tín hiệu về việc cắt giảm thuế, điều mà OECD cho rằng Anh nên thực hiện để hỗ trợ tăng trưởng.

OECD cũng cảnh báo giá năng lượng và hàng hóa tăng cao hơn dự kiến có thể khiến thu nhập thực tế tiếp tục giảm và không có gì đảm bảo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể nhanh chóng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Tổ chức này dự kiến BoE sẽ tăng lãi suất từ 1% hiện nay lên 2,5% do áp lực lạm phát đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục