Ông Biden và bài toán duy trì chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump

Trên thực tế, kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã có xu hướng đi theo chủ nghĩa bảo hộ của người tiền nhiệm, ngay cả khi các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ vẫn ủng hộ thương mại tự do.
Ông Biden và bài toán duy trì chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump ảnh 1Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với một số loại gỗ xẻ của Canada. (Nguồn: Canadian Press)

Theo trang mạng eurasiareview.com, quyết định của chính quyền Biden trong tuần này về việc tăng thuế nhập khẩu đối với một số loại gỗ xẻ của Canada đã khiến chính sách thương mại của Mỹ một lần nữa trở thành vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã chấm dứt xung đột thương mại với Liên minh châu Âu (EU), nhưng vẫn duy trì thuế đánh vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc được áp dụng từ thời chính quyền Trump.

Cho dù Tổng thống Biden nhận được sự hoan nghênh rộng rãi vì thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương của mình, song đây chỉ là một ngoại lệ trong xu hướng chung.

Trên thực tế, kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã có xu hướng đi theo chủ nghĩa bảo hộ của người tiền nhiệm, ngay cả khi các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ vẫn ủng hộ thương mại tự do, dù sự ủng hộ này gần đây đã giảm mạnh. Mặc dù có một số yếu tố cần được xem xét khi tính toán lợi ích của thương mại tự do so với chủ nghĩa bảo hộ, nhưng nhìn chung, thương mại tự do vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn.

Thứ nhất, chủ nghĩa bảo hộ luôn khiến người tiêu dùng là người bị thua thiệt. Cho dù với tư cách cá nhân hay doanh nghiệp, họ phải trả nhiều tiền hơn so với khi có thị trường tự do. Hãy xem xét kết quả của 4 công cụ chính của chủ nghĩa bảo hộ theo từ góc độ của người tiêu dùng. Khi đánh thuế vào hàng nhập khẩu, thuế quan khiến người dùng phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa đó.

Hạn ngạch nhập khẩu giới hạn số lượng một hàng hóa nhất định có thể được nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp trong nước có khả năng tính giá cao hơn cho hàng hóa của mình, và một lần nữa người tiêu dùng lại phải trả nhiều tiền hơn.

Trợ cấp xuất khẩu là những đồng USD đóng thuế được cấp cho các công ty tư nhân để họ có thể bán sản phẩm của mình ra nước ngoài với giá rẻ hơn so với ở trong nước. Cuối cùng là trợ cấp cho cá nhân hay trợ cấp công nghiệp được dành để khuyến khích sản xuất một loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà chính phủ cho là hấp dẫn, tất nhiên là chúng có liên quan đến yếu tố chính trị.

[Chủ nghĩa bảo hộ - chủ đề 'nóng' trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Canada]

Trên thực tế, trong hầu hết mọi trường hợp, động lực thúc đẩy việc thông qua luật bảo hộ nằm ở một nhóm cốt lõi gồm những người được hưởng lợi từ điều đó. Đó là ví dụ về những gì sẽ xảy ra khi các lợi ích từ một chính sách được tập trung (vào một nhóm nhỏ) trong khi chi phí được phân tán.

Một vài đồng ở chỗ này hay chỗ khác từ tất cả mọi công dân trên cả nước trong suốt nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ có thể không được họ chú ý đến, nhưng số tiền đó được cộng dồn lại nhanh chóng, khiến người nhận mong muốn chính sách đó được tiếp tục, bất chấp những phí tổn mà nhà nước phải gánh chịu. Các nhóm nhỏ những người giàu có được hưởng lợi thu được hàng tỷ USD để chia cho nhau theo cách này.

Đó là một vấn đề nguy hiểm và không ngành nào có thể tránh khỏi rủi ro đạo đức để thu lợi từ phúc lợi của chính phủ, họ muốn được bảo vệ hay trợ cấp thay vì nỗ lực cải tiến sản phẩm, phương pháp hoặc quản lý.

Một khi được bảo vệ, các chính sách này rất khó đảo ngược. Hãy xem xét khoản trợ cấp kéo dài hàng thập kỷ cho vải mohair. Được thông qua vào năm 1954 với danh nghĩa nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, sợi mohair là một thành phần quan trọng sử dụng trong các loại vải dùng cho quân đội Mỹ, nhưng 1 thập kỷ sau, loại sợi này trở nên không còn phù hợp nữa khi vải tổng hợp được đưa vào sử dụng.

Trên sổ sách đến tận năm 1998, khoản trợ cấp này đã tiêu tốn gần 200 triệu USD/năm, hơn một nửa trong số đó được dành cho 1% các nhà sản xuất hàng đầu loại vải này. Khoản trợ cấp này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay dưới một hình thức đã được biến tấu.

Tính kém hiệu quả của chủ nghĩa bảo hộ đã được biết rõ và là một phần lý do tại sao thương mại tự do tạo ra tăng trưởng kinh tế lớn hơn so với khi áp dụng các chế độ bảo hộ. Nếu có thể kiếm được nhiều hơn trong khi phải chi ít hơn ở những lĩnh vực khác, các nhà sản xuất có khả nặng cạnh tranh của Mỹ sẽ chuyển vốn theo hướng tăng năng suất để cạnh tranh hoặc hướng vốn của họ vào các dự án kinh doanh khác mang lại lợi nhuận.

Kéo theo đó là lao động, điều đó sẽ đòi hỏi những kỹ năng mới hay những kỹ năng cần thiết để tiếp tục công việc của họ. Điều này nói lên rằng cái giá phải trả để có một thị trường tự do hiệu quả và mức sống cao hơn là đôi khi cả vốn và lao động sẽ có sự chuyển dịch tạm thời.

Tuy nhiên, nếu các quá trình này không bị cản trở bởi các chính sách của chính phủ, chúng sẽ không trở thành những cú sốc bất ngờ, mà thay vào đó sẽ diễn ra dần dần theo thời gian. Các công ty tìm cách sinh tồn và tối đa hóa lợi nhuận sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để thích ứng với các điều kiện đang thay đổi. Trợ cấp, thuế quan và hạn ngạch cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước một giải pháp thay thế dễ dàng thay vì phải tìm cách quản lý phù hợp.

Và mặc dù chúng dẫn đến kết quả kinh tế tổng thể thấp hơn, song đối với công ty hay các ngành công nghiệp đang được đề cập đến, sự khác biệt này không quan trọng đối với họ.

Chiến dịch mua hàng Mỹ của Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump đã thu hút sự chú ý của dư luận trong 5 năm qua, nhưng đằng sau hậu trường, Mỹ đã dần rời xa thương mại tự do kể từ đầu những năm 2000.

Một phần của điều này là phản ứng đối với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Mặc dù hiệp định này có tác động tích cực về mặt thương mại, nhưng nó đã được tô hồng quá mức và gây ra nỗi thất vọng nghiêm trọng, khiến nhiều người tức giận, đặc biệt là những người làm việc trong một số ngành sản xuất bị mất nhiều việc làm.

Người ta ước tính NAFTA khiến Mỹ mất khoảng 600.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất, nhưng điều khiến Mỹ mất nhiều việc làm hơn trong ngành này là việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, động thái khiến Mỹ ước tính mất khoảng 3,7 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Những tổn thất mà nhiều cá nhân phải hứng chịu do sức ép cạnh tranh của thị trường tự do đáng được chúng ta cảm thông, nhưng những tổn thất mà chủ nghĩa bảo hộ gây ra vượt xa những lợi ích hạn hẹp mà nó mang lại cho người nhận. Thương mại tự do làm giảm tính kém hiệu quả bằng cách buộc các công ty phải liên tục cạnh tranh vì lợi ích của người tiêu dùng; nó làm giảm rủi ro đạo đức, dẫn đến sản lượng kinh tế cao hơn, giá cả thấp hơn, thuế thấp hơn và mức sống cao hơn.

Không có thỏa thuận thương mại tự do nào là hoàn hảo và sẽ luôn có người thắng và người thua, nhưng các thỏa thuận thương mại tự do tốt sẽ tạo ra người thắng và kẻ thua do sức ép của thị trường quyết định chứ không phải do sự thiên vị của chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục