Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo ngày 10/7 cho biết các nước thành viên của OPEC ủng hộ lập trường của lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cam kết thực thi đầy đủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu bên lề Đại hội Dầu khí Thế giới, sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt thế giới khai mạc ngày 9/7 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Mohammed Barkindo nêu rõ mặc dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, song 19 nước thành viên còn lại của G20 đã nhất trí rằng thỏa thuận chống biến đổi khí hậu này là "không thể đảo ngược," và OPEC ủng hộ lập trường này.
Tổng thư ký OPEC cũng nhấn mạnh tất cả các nước thành viên của tổ chức này đều đã ký Hiệp định Paris.
Đại hội Dầu khí Thế giới lần thứ 22 họp tại Istanbul với nỗ lực giải quyết những thách thức mà ngành công nghiệp này đang phải đối mặt. Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Dầu khí Thế giới Jozsef Laszlo Toth cho rằng những thách thức trong ngành công nghiệp dầu khí đang gia tăng trong bối cảnh dân số thế giới tăng.
[Hội nghị G20: Tìm quan điểm chung với vấn đề toàn cầu gây chia rẽ]
Trước đó, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), các nhà lãnh đạo G20 cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả, thân thiện với môi trường hơn, cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác. Tuy nhiên, G20 nhất trí "lưu ý" việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Việc Mỹ rút khỏi hiệp định này đã gây ra dư luận phản ứng mạnh mẽ trong nước và quốc tế./.