Palestine cảnh báo sẽ rút khỏi hòa đàm trực tiếp

Tổng thống Palestine cảnh báo sẽ rút khỏi hòa đàm trực tiếp với Israel, nếu Tel Aviv tiếp tục hoạt động xây dựng các khu định cư.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 29/8 một lần nữa cảnh báo sẽ rút khỏi các cuộc hòa đàm trực tiếp với Israel, dự kiến vào ngày 2/9 năm nay, nếu Tel Aviv tiếp tục hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Với sự trung gian của Mỹ, lãnh đạo Palestine và Israel đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp sau gần hai năm đình trệ do Israel tiến hành chiến dịch quân sự tấn công Dải Gaza.

Cuộc đàm phán sẽ diễn ra ba tuần trước khi thời hạn Israel tạm ngừng hoạt động xây dựng khu định cư ở Bờ Tây kết thúc vào ngày 26/9.

Phát biểu trên truyền hình, ông Abbas tuyên bố: "Chính phủ Israel sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thất bại hoặc đổ vỡ đàm phán nếu tiếp tục mở rộng định cư ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng thuộc Palestine."

Tổng thống Abbas cũng khẳng định lại rằng các cuộc đàm phán sắp tới tại Washington sẽ phải thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng, bao gồm quy chế cuối cùng cho Jerusalem, người tị nạn, đường biên giới, các khu định cư, an ninh và phóng thích tù nhân Palestine.

Ông bày tỏ hy vọng tìm thấy một đối tác có thể đưa ra những quyết định quan trọng và có trách nhiệm nhằm chấm dứt sự chiếm đóng và đảm bảo an ninh thực sự cho cả nhân dân Palestine và Israel.

Trong khi đó, cùng ngày 29/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhắc lại các điều kiện của Israel để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình. Theo đó, "trước hết phải công nhận Israel là nhà nước của người Do Thái, chấm dứt xung đột và chấm dứt mọi đòi hỏi đối với Israel."

Cho đến nay, ông Netanyahu chưa đưa ra cam kết nào về việc kéo dài thời hạn ngừng xây dựng khu định cư nhằm đảm bảo cho cuộc đàm phán.

Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa cùng ngày cho rằng có rất ít hy vọng các cuộc đàm phán trực tiếp sắp tới giữa Israel và Palestine sẽ thành công.

Trả lời phỏng vấn của báo giới tại Slovenia bên lề một hội nghị chính trị, ông Moussa cho biết AL hy vọng đàm phán sẽ thành công, song rất bi quan về triển vọng của tiến trình hòa bình vì những tiền lệ đã xảy ra trong quá khứ.

Ông nhấn mạnh: "Cơ sở duy nhất để hy vọng đàm phán thành công là mức độ thành thật của Tổng thống Mỹ Barack Obama mong muốn đạt được một thành quả nào đó trong nhiệm kỳ của mình."

Theo ông Moussa, trong thời gian diễn ra đàm phán, nếu Israel tiếp tục xây dựng khu định cư Do Thái, thì đàm phán không thể tiếp tục.

Tại Amman, Quốc vương Jordan Abdullah II cho rằng thành công của cuộc đàm phán sắp tới sẽ tùy thuộc vào tiến bộ nhanh chóng của tiến trình đàm phán. Theo ông, không nên ấn định thời hạn một năm để đi đến thỏa thuận, vì "đàm phán càng kéo dài thì nguy cơ bạo lực càng cao."

Trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đang ở thăm Jordan, Quốc vương Abdullah II nhấn mạnh Israel cần đàm phán một cách nghiêm túc để tiến tới hội nhập với thế giới Arập Hồi giáo, vì lợi ích của người dân Israel.

Một quan chức cấp cao của Jordan cho biết nước này và Ai Cập - hai quốc gia Arập đã ký thỏa thuận hòa bình với Israel - đều thận trọng về tiến triển của cuộc đàm phán vì các cuộc gặp tương tự trước đây đã không thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục