Truyền thông Trung Đông ngày 11/9 dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính quyền Palestine (PA) kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt trừng phạt đối với Israel, sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu công khai ý định sáp nhập Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Bờ Tây nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 17/9 tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Reyad al-Malki đưa ra lời kêu gọi trên trong khuôn khổ cuộc gặp người đồng cấp Luxembourg Jean Asselborn tại Ramallah.
Theo ông al-Malki, tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu là một sự lợi dụng cuộc bầu cử tại Israel với mục đích mở rộng đồng hóa trong vùng lãnh thổ chiếm đóng của người dân Palestine.
Đây là sự coi thường các nghị quyết của Liên hợp quốc, những định chế liên quan và các quốc gia có mong muốn tiến tới nền hòa bình cho Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Về phần mình, Ngoại trưởng Asselborn cũng thể hiện lập trường phản đối tuyên bố của Thủ tướng Israel và coi đó là điều không thể chấp nhận được, đồng thời vi phạm các nghị quyết và luật pháp quốc tế.
[Các nước Arab lên án tuyên bố của Thủ tướng Israel Netanyahu]
Cam kết của ông Netanyahu là một động thái cho thấy nhà lãnh đạo Israel không có ý định thực sự hướng tới giải pháp hai nhà nước và sẽ dẫn đến sự chấm dứt của tiến trình hòa bình Trung Đông.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/9, phong trào Hồi giáo Hezbollah của Liban đã đổ lỗi cho các nước vùng Vịnh về lời hứa gây sốc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước cuộc bầu cử sắp tới bằng việc cam kết sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan thuộc khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Đầu tháng 9, màn đáp trả quân sự lẫn nhau giữa Lực lượng Hezbollah và quân đội Israel liên tiếp xảy ra. Phía Hezbollah cho rằng việc các nước trong vùng Vịnh có quan hệ gần gũi với Israel càng khuyến khích ông Netanyahu chống lại người Palestine.
Ngày 10/9, Thủ tướng Netanyahu, hiện đang vận động cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới cho biết nếu được bầu lại, ông sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan và phía bắc Biển Chết đều thuộc khu vực bị Israel chiếm đóng.
Các nước vùng Vịnh đã lên án cam kết của Thủ tướng Netanyahu, tuy nhiên phong trào Hezbollah cho rằng các mối liên hệ gần đây giữa Israel và một số nước trong vùng Vịnh, đồng minh của Mỹ đã khiến ông Netanyahu có quan điểm mạnh mẽ hơn.
Một số quốc gia vùng Vịnh là đồng minh của Mỹ gần đây đã có những bước tiến trong trong quan hệ với Israel nhằm chống lại Iran./.