Phấn đấu giảm 10% tỷ suất chết sơ sinh ở miền núi

Ngành Y tế phấn đấu giảm 10% tỷ suất chết sơ sinh ở các tỉnh miền núi, 5% ở các tỉnh đồng bằng; hạn chế tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ.
Ngày 29/1, Bộ Y tế công bố mục tiêu của ngành năm nay là phấn đấu giảm 10% tỷ suất chết sơ sinh ở các tỉnh miền núi và 5% ở các tỉnh đồng bằng.

Cùng với đó là hạn chế thấp nhất tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ, tử vong chu sinh và tử vong trẻ em một cách đồng đều hơn giữa các vùng trong cả nước.

Tại hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2009, triển khai phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm nay, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh trọng tâm năm 2010 là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phấn đấu duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, bảo đảm quyền sinh con và lựa chọn các biện pháp tránh thai có chất lượng của phụ nữ và các cặp vợ chồng.

Nâng cao tình trạng sức khỏe của phụ nữ và các bà mẹ, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ, tử vong chu sinh và tử vong trẻ em một cách đồng đều hơn giữa các vùng và các đối tượng, đặc biệt chú ý các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách, cũng là những nhiệm vụ mà Bộ Y tế đề ra trong năm nay.

Các thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học và xây dựng quy trình kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được ngành tập trung rà soát, sửa đổi.

Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai các biện pháp can thiệp nhằm giảm suy dinh dưỡng ảnh hưởng chiều cao và cân nặng đối với trẻ em dưới 5 tuổi.

Về trình độ của cán bộ y tế khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến huyện, ngành phấn đấu 30% có trình độ đại học, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo có trình độ đại học.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến cuối năm 2009, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập đủ các khoa phòng với 2 khoa và 4 phòng, 100% bệnh viện chuyên khoa Nhi đã có khoa sơ sinh, gần 90% bệnh viện đa khoa tỉnh và hơn 30% bệnh viện tuyến huyện đã thành lập đơn nguyên sơ sinh.

Số cán bộ của các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản ở 63 tỉnh, thành trong cả nước có trình độ đại học trở lên chiếm hơn 30% tăng hơn 4% so với năm 2008.

Các hoạt động hỗ trợ phòng chống suy dinh dưỡng đã được triển khai đến 100% số huyện, xã và gần 99% số thôn bản ở khắp 63 tỉnh thành phố trong cả nước. Nhờ vậy, 90% các bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham dự các buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tại cộng đồng./.

Thanh Sang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục