Phấn đấu khai thác tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao vào cuối tháng Sáu

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nỗ lực phấn đấu đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao vào cuối tháng Sáu.

Đoàn tàu chạy kiểm tra định kỳ Dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Đoàn tàu chạy kiểm tra định kỳ Dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục, nỗ lực phấn đấu đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao vào cuối tháng Sáu sắp tới.

Đây là một nội dung trong Thông báo số 239/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông báo nêu rõ đường sắt đô thị là phương thức vận tải có vai trò rất quan trọng đối với các đô thị lớn, nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và hai thành phố đã tích cực, nỗ lực triển khai đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đến nay mới có duy nhất tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông đưa vào khai thác năm 2021, bước đầu đã phát huy được hiệu quả của phương thức này.

Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã định kỳ họp, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, trong đó có các công trình, dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, các tuyến còn lại đều đang bị chậm tiến độ, phải lùi giãn tiến độ nhiều lần, làm tăng tổng mức đầu tư.

Đường sắt đô thị là công trình, dự án quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, sử dụng nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ yêu cầu nhiều nội dung, thủ tục, do vậy, công việc các dự án cần thiết phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giải quyết kịp thời của các bộ, ngành và địa phương; ngoài các tuyến đang triển khai đầu tư, còn 16 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện.

Để hoàn thành mục tiêu theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, khối lượng công việc thực hiện trong giai đoạn tới là rất lớn.

Với vai trò là cơ quan chủ quản, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm chính và chủ yếu trong việc triển khai đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đối với các các dự án đường sắt đô thị.

Tổ Công tác thực hiện chức năng chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, xử lý khó khăn vướng mắc, tháo gỡ cơ chế (nếu có) trong quá trình triển khai.

Các thành viên Tổ công tác thực hiện tốt chức năng của Tổ công tác và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xử lý, giải quyết các công việc, nhiệm vụ được phân công.

Sớm hoàn thành, đưa tuyến Nhổn-Ga Hà Nội và Bến Thành-Suối Tiên vào khai thác

Đối với các Dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai, việc sớm hoàn thành, đưa dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội và dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Bến Thành-Suối Tiên vào vận hành khai thác, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục như: vận hành thử hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, giấy chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chấp thuận về môi trường, đào tạo nhân sự vận hành và bảo trì, nghiệm thu hoàn thành dự án…), nỗ lực phấn đấu đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao vào cuối tháng 6 năm 2024.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và nhà tài trợ ADB hoàn thiện các thủ tục để ký sửa đổi Bảng phân bổ vốn vay để giải ngân cho đoạn đi ngầm tuyến Nhổn-Ga Hà Nội trong tháng 5 năm 2024.

ttxvn_nhon ga ha noi.jpg
Dự án Nhổn-ga Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành công tác rà soát hồ sơ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại văn bản số 2526/VPCP-QHQT ngày 16/4/2024 của Văn phòng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường sắt đô thị tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo trong tháng 6 năm 2024.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực giải quyết các tồn tại, vướng mắc (đặc biệt nhà thầu gói thầu CP3 của Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Suối Tiên), đẩy nhanh hoàn thành thi công các hạng mục còn lại; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục (chạy thử hệ thống, vận hành thử hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, giấy chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chấp thuận về môi trường, đào tạo nhân sự vận hành và bảo trì, nghiệm thu hoàn thành dự án…) để bảo đảm đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên vào tháng 12 năm 2024.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát các nguồn vốn và phương án thu xếp, sử dụng vốn vay, sớm làm việc với các Nhà tài trợ để hoàn tất các thủ tục gia hạn Hiệp định vay, lập kế hoạch triển khai hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Tham Lương.

ttxvn_ben thanh tham luong.jpg
Sơ đồ tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì phối hợp với các vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, với vai trò là Bộ chuyên ngành tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án (khi có yêu cầu) để sớm đưa dự án vào vận hành khai thác theo đúng kế hoạch, tiến độ.

Bộ Xây dựng, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu theo quy định, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiến độ hoàn thành các dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thành phố Hà Nội hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường sắt đô thị tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, báo cáo lãnh đạo Chính phủ trong tháng 5 năm 2024; phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Suối Tiên trong tháng 6 năm 2024 và tổng hợp, tham mưu Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Dự án.

Bộ Tài chính làm việc với nhà tài trợ ADB hoàn thiện các thủ tục để ký, sửa đổi Bảng phân bổ vốn vay cho Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn-Ga Hà Nội trong tháng 5 năm 2024; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp sớm hoàn tất thủ tục cấp ý kiến pháp lý và giới thiệu chữ ký rút vốn theo đề nghị của JICA đối với thỏa thuận vay số 4 của khoản vay VN22-P1 thuộc Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Suối Tiên trong tháng 5 năm 2024.

Bộ Công an chỉ đạo cơ quan phòng cháy chữa cháy chủ trì phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến phòng cháy chữa cháy đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.

Các thành viên Tổ công tác (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao) chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục liên quan trong quá trình triển khai các dự án.

Lựa chọn công nghệ đường sắt đô thị tiên tiến, hiện đại

Đối với Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035, về nội dung, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của cơ quan tại cuộc họp, thống nhất các nội dung của Đề án; bám sát quan điểm, mục tiêu, giải pháp tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó lưu ý: lựa chọn công nghệ đường sắt đô thị tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tiếp nhận, làm chủ từ khâu thiết kế, sản xuất, chế tạo đến vận hành, quản lý, gắn với đầu tư, hình thành ngành công nghiệp đường sắt đô thị; việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị phù hợp với chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, bảo đảm hài hoà với các phương thức giao thông trong kết nối hạ tầng; đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, tính khả thi, huy động mọi nguồn lực (trung ương, địa phương, đầu tư theo phương thức PPP…), cân nhắc, đánh giá kỹ việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; khai thác, huy động từ nguồn lực đất đai thông qua phát triển đô thị theo các ga, các tuyến đường sắt đô thị (TOD).

Về hồ sơ Đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành Đề án (theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII và Quy chế làm việc của Chính phủ), xin ý kiến Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố, Thường trực Thành ủy và gửi Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 28/5/2024 để rà soát, tổng hợp; Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp lấy ý kiến các thành viên Tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan và tiếp thu giải trình đầy đủ trước khi trình Thường trực Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.

Tiến độ trình Đề án, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm đúng tiến độ trình theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ tại văn bản số 2702/CV/BCSĐCP ngày 12/3/2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục