Pháp tiếp tục nỗ lực ngoại giao để giải quyết khủng hoảng Qatar

Tổng thống Pháp đã khẳng định chính quyền Paris đang tiếp tục những nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay.
Pháp tiếp tục nỗ lực ngoại giao để giải quyết khủng hoảng Qatar ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP)

Ngày 14/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Maroc trong chuyến công du đầu tiên của ông tới khu vực Bắc Phi kể từ khi đắc cử.

Tại đây, Tổng thống Pháp đã khẳng định chính quyền Paris đang tiếp tục những nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Tổng thống Pháp đã hội kiến Quốc vương nước chủ nhà Mohammed VI ở thủ đô Rabat.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Macron cho biết hai bên đã đề cập về nhiều vấn đề song phương và khu vực mà 2 bên cùng quan tâm, như các cuộc xung đột ở Libya hay Syria.

[Pháp đang lúng túng vì mắc kẹt giữa Qatar và Saudi Arabia]

Liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Qatar với các nước vùng Vịnh, Tổng thống Macron hoan nghênh Pháp và Maroc có chung quan điểm về vấn đề hiện nay.

Pháp mong muốn các bên đối thoại và vùng Vịnh cần phải ổn định do các nước này là những bên liên quan của các cuộc khủng hoảng tại Syria và Libya.

Hiện nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh đã được tăng cường, với chuyến thăm Qatar cùng ngày của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong khi Liên hợp quốc cũng cảnh báo vấn đề nhân đạo nảy sinh từ việc đóng cửa biên giới đối với người dân khu vực.

Tại Qatar, ông Cavusoglu đã có cuộc gặp với Tiểu vương Tamim bin Hamad al-Thani, kêu gọi các bên đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc đánh giá lại quan hệ chiến lược giữa hai nước và những khía cạnh để phát triển mối quan hệ này trên mọi lĩnh vực.

Theo kế hoạch, chặng dừng chân tiếp theo của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là Kuwait, quốc gia Trung Đông cũng đang nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Cuối cùng, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng sẽ tới Saudi Arabia. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những đồng minh thân cận nhất của Qatar.

Trong diễn biến liên quan, giới ngoại giao khu vực nhận định các nước Arab hiện chưa có kế hoạch rõ ràng về việc đề xuất Liên hợp quốc áp dụng các lệnh trừng phạt đối với những cá nhân và tổ chức bị liệt trong danh sách đen liên quan đến Qatar. Theo họ, đây là một động thái khó khăn cần có sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hôm 5/6, Bahrain cùng Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và một số nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với lý do Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ các nước khu vực và quá gần gũi với Iran.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arập và vùng Vịnh với Qatar tiếp tục leo thang ngày 9/6 khi Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào danh sách khủng bố.

Về phần mình, Qatar đã cực lực bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của chính quyền Doha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục