Phát động chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác

Chiều ngày 3/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác "không có người mua-không còn kẻ giết."
Phát động chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác ảnh 1Loài tê giác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng bởi vấn nạn trộm sừng. (Ảnh: WWF)

Nhằm truyền tải những thông điệp bảo vệ loài tê giác khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng, chiều nay (3/3), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức cứu trợ hoang dã (WildAid), Quỹ hoang dã châu Phi đã phát động chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác "không có người mua-không còn kẻ giết."

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian qua, tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã làm giảm lợi ích kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến an ninh xã hội và môi trường.

Vấn nạn buôn bán động vật hoang dã cũng góp phần tạo doanh thu bất hợp pháp, gây bất ổn an ninh quốc gia và nguy cơ xuất hiện, lây lan các bệnh truyền nhiễm mới.

Theo ông Tuấn, những hành vi sát hại các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bao gồm cả những mẫu vật của loài có nguồn gốc nước ngoài như sừng tê giác cũng đã tác động xấu tới hình ảnh của Việt Nam trong việc thực thi các Công ước quốc tế.

"Chính vì vậy, để ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tôi đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sử dụng sừng tê giác trái phép,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, sừng tê giác cũng giống như móng tay con người. Thế nên, giết hại tê giác để lấy sừng vì tin đồn chữa bệnh là hành vi rất tàn nhẫn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh, thông tin sừng tê giác có thể chữa bệnh ung thư, giúp giải rượu, tăng cường sinh lực chỉ là tin đồn thất thiệt. Trong khi đó, theo nghiên cứu của một số lương y, sừng tê giác có tính lạnh, nam giới thuộc nhiệt tính khi uống sừng tê giác cùng rượu, nóng lạnh xung khắc nhau có thể dẫn đến tắc tử.

“Trong trường hợp nhẹ, dùng nhiều tê giác lạnh có thể gây mất năng lượng tự nhiên, mất hỏa tự nhiên trong người, gây liệt dương,” ông Dũng cảnh báo.

Về phía cơ quan bảo tồn, ông Peter Knights, Giám đốc điều hành tổ chức Cứu trợ hoang dã (WildAid) cho rằng, mặc dù hơn 90% lượng sừng tê giác bán tại Việt Nam thực chất là sừng trâu, nhưng chỉ cần 10% lượng tiêu thụ đã có thể tác động tiêu cực đến sự tồn vong của loài tê giác.

Vị Giám đốc điều hành tổ chức WildAid cũng cảnh báo, nếu con người không sớm ngạt bỏ những lời đồn thổi về tác dụng của sừng tê giác, hoặc nạn săn trộm sừng tê giác tiếp tục diễn ra với tốc độ như hiện tại thì trong vài năm tới, tê giác có thể sẽ bị tuyệt chủng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục