Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, trong 2 ngày 8-9/11, các cán bộ của đơn vị đã phát hiện đàn vọoc ngũ sắc với số lượng hơn 70 con về trú ngụ tại khu vực rừng Bắc Hải Vân ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, voọc ngũ sắc còn gọi là voọc chà vá chân nâu có tên khoa học Pygathrix nemaeus thuộc loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện đơn vị đang thực hiện các phương án bảo vệ và khảo sát đánh giá để bảo tồn đàn voọc này.
Rừng khu vực Bắc Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế có diện tích gần 10.500ha, trải dài từ đèo Phước Tượng đến đèo Hải Vân. Xuất phát từ một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy thẳng ra biển Đông, thành điểm cuối rừng miền Trung kể từ Lào nên Hải Vân trở thành "lá chắn" giữa 2 miền khí hậu, thổ nhưỡng Bắc-Nam. Chính vì vậy, đây cũng là vùng rừng núi có sự đan xen của nhiều loài động, thực vật ở hai khu vực Bắc-Nam.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, hiện trên địa bàn đã trồng được hơn 9.000ha rừng kinh tế, xen rừng tự nhiên tạo thành thảm thực vật phong phú cho hệ thống rừng đặc dụng Bắc Hải Vân. Nhờ vậy, từ những cánh rừng manh mún trước đây nay đã trở thành cánh rừng bạt ngàn khiến nhiều loài động vật quý hiếm trong đó có loài voọc ngũ sắc về trú ngụ. Hiện nay do diện tích rừng được giao lớn, lại nằm trên một địa hình phức tạp nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Vào mùa nắng nóng, rừng ở đây dễ bị cháy do nhiều nguyên nhân như bom đạn tự phát nổ gây cháy hoặc người đi đường (cả đường sắt và đường bộ) qua đèo Hải Vân vô ý vứt tàn thuốc, than lửa xuống đường gặp thảm thực bì khô nhanh chóng bắt cháy, trong khi lực lượng phòng, chữa cháy rất mỏng.
Biện pháp phòng cháy rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân thực hiện là làm 24km đường ranh cản lửa dọc theo tuyến đường sắt và Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân; xác định các hồ nước tự nhiên trong rừng và giao cho từng trạm quản lý ở các địa bàn theo dõi, sử dụng khi cần thiết.../.