'Phát triển lưới điện thông minh là định hướng đúng đắn của Việt Nam'

Theo báo cáo từ Cục Điều tiết Điện lực, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện bình quân tại Việt Nam khoảng 11%/năm và cứ 6-7 năm thì mức tăng trưởng điện lại tăng gấp đôi.
'Phát triển lưới điện thông minh là định hướng đúng đắn của Việt Nam' ảnh 1Tuần lễ Lưới điện Thông minh sẽ kéo dài đến ngày 5/12 cùng một chuỗi các hội nghị và hội thảo chuyên đề. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 2/12, tại Hà NộiTuần lễ Lưới điện Thông minh Việt Nam 2019 đã chính thức khai mạc dưới sự phối hợp tổ chức của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (SGREEE).

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, phát triển lưới điện thông minh là một định hướng đúng đắn của Việt Nam, qua gần 7 năm thực hiện, với việc từng bước áp dụng công nghệ hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện.

Mặt khác, với xu thế chung về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu để tích hợp, vận hành ổn định các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần khuyến khích phát triển, tăng tỷ trọng và khai thác có hiệu quả nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững.

[Các quốc gia Đông Á thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng mới]

Theo báo cáo từ Cục Điều tiết Điện lực, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện bình quân tại Việt Nam khoảng 11%/năm. Như vậy, cứ 6-7 năm thì mức tăng trưởng điện lại tăng gấp đôi.

Trong khi đó, lưới điện thông minh sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giảm sát và quản lý việc chuyển tải điện từ tất cả các nguồn phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện luôn thay đổi của người dùng cuối cùng.

Đặc điểm của lưới điện thông minh là áp dụng kỹ thuật số và thông tin giao tiếp hai chiều, phát điện phân tán gần với phụ tải; cảm biến trên toàn lưới điện để khi có sự cố thì tự khôi phục…

Ông Sebastian Paust, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong năm nay, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu sản xuất điện. Tuy nhiên, để đạt tới tỷ trọng cao hơn nữa, nhiều giải pháp cần được thực hiện, đặc biệt là cần hỗ trợ nguồn điện mặt trời và điện gió hòa lưới.

Tại Đức, gần một nửa sản lượng điện bắt nguồn từ năng lượng tái tạo (chiếm 47% trong 6 tháng năm 2019), hầu hết là từ năng lượng gió và mặt trời.

“Tại sự kiện hôm nay, chúng tôi mong muốn cùng với các chuyên gia Việt Nam và các nước trao đổi về các kinh nghiệm thực hiện giải pháp kỹ thuật, công nghệ để nâng cao tỷ trọng của điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam,” ông Sebastian Paust nói.

Tuần lễ Lưới điện Thông minh sẽ kéo dài đến ngày 5/12 cùng một chuỗi các hội nghị và hội thảo chuyên đề.

Tuần lễ sẽ thảo luận về xu hướng, tầm nhìn và các giải pháp cho một tương lai năng lượng bền vững ở Việt Nam, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các giải pháp năng lượng thông minh nhằm nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và thúc đẩy hiệu quả năng lượng, cũng như giới thiệu các giải pháp, ứng dụng công nghệ hiện đại cho hệ thống điện trong tương lai./.

Chương trình lưới điện thông minh sẽ bao gồm: Hợp phần Chương trình vận hành hệ thống điện và lưới truyền tải thông minh, lưới điện phân phối thông minh,… nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, quản lý nhu cầu điện; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm nhu cầu đầu tư…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục