Phẫu thuật cấy điện cực ốc tai đầu tiên cho cháu bé 27 tháng tuổi

Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối, bệnh nhân sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
Phẫu thuật cấy điện cực ốc tai đầu tiên cho cháu bé 27 tháng tuổi ảnh 1Các bác sỹ đang thực hiện ca phẫu thuật cho cháu bé. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 25/1, các bác sỹ Khoa Tai Mũi Họng-Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cấy điện cực ốc tai đầu tiên cho cháu bé Trương Quỳnh Chi, 27 tháng tuổi, ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị điếc bẩm sinh.

Theo thạc sỹ-bác sỹ Tống Phước Hội, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng-Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2), đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối.

Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân sẽ nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, quá trình tập luyện, bé sẽ nghe, nói gần như người bình thường.

Phẫu thuật cấy điện cực ốc tai đầu tiên cho cháu bé 27 tháng tuổi ảnh 2Thiết bị điện cực ốc tai chuẩn bị cấy ghép cho cháu bé. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Căn bệnh điếc bẩm sinh khiến hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam không thể nghe, nói và phải sống một cuộc đời lặng lẽ. Kỹ thuật cấy điện cực ốc tai đã mở ra cơ hội giúp trẻ khiếm thính được sống như một người bình thường.

[WHO: Khoảng 32 triệu trẻ em trên thế giới bị mất thính lực]

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 1.000 trẻ sơ sinh sẽ có 1,5-3 trẻ điếc bẩm sinh. Nhóm trẻ có nguy cơ cao về khiếm thính là đẻ thiếu tháng, suy thai, cân nặng dưới 2,5kg, sinh quá ngày, yếu sau sinh, bị nhiễm khuẩn từ bào thai hoặc mẹ khi mang thai bị nhiễm cúm, virus…

Thống kê từ các bệnh viện phụ sản Việt Nam cũng cho thấy, cứ từ 25-50 trẻ trong nhóm nguy cơ cao thì có một trẻ bị điếc. Nếu không được can thiệp y học sớm, trẻ sẽ bị điếc, câm vĩnh viễn và sống cuộc đời khuyết tật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục