Phê chuẩn Hiệp định CPTPP: Tầm mức mới của tiến trình hội nhập

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là tập hợp có ý nghĩa của 11 nền kinh tế thành viên, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế cho Việt Nam.
Phê chuẩn Hiệp định CPTPP: Tầm mức mới của tiến trình hội nhập ảnh 1Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với số đại biểu tán thành 469/469 tham gia biểu quyết. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 12/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định CPTPP là tập hợp có ý nghĩa của 11 nền kinh tế thành viên, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế cho Việt Nam.

Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm tranh thủ thời cơ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hiệp định thế hệ mới - toàn diện và tiến bộ

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hình thành trên cơ sở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Trong khuôn khổ Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC, vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nền kinh tế gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định CPTPP.

Tháng 3/2018, Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết với 11 nền kinh tế tham gia gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, tại Thủ đô Santiago, Chile. Hiệp định này có hiệu lực sau 60 ngày khi được ít nhất 6 nước thành viên thông qua.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ liên quan đến 7 Chương là quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng) để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên.

CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Các nước thành viên CPTPP tạo thành một thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu.

Không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại..., CPTPP còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...

Hiệp định CPTPP thể hiện sự toàn diện và tiến bộ, bảo đảm quyền lợi thiết thực đối với mọi người dân, hướng đến người dân để người dân các nước thành viên đều được hưởng lợi từ các hoạt động thương mại, đầu tư, cơ hội việc làm mà nó mang lại.

Ngoài ra, các nước thành viên CPTPP cũng ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương dưới hình thức các thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mình theo hướng được phép có những linh hoạt hoặc một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định để thực thi một số cam kết của Hiệp định.

Đối với Việt Nam, việc quyết định tham gia, đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây và sau này là Hiệp định CPTPP là một quá trình dài, với sự chuẩn bị tích cực, chủ động. Kết quả đàm phán đạt được, về cơ bản, đã đảm bảo được các lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng như dành được nhiều bảo lưu, linh hoạt để thực thi Hiệp định hiệu quả.

Tham gia Hiệp định CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên, thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á-Thái Bình Dương, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Mở rộng thị trường, tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu

Việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định CPTPP cũng chính là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam.

CPTPP sẽ mở thêm nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi, góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước ở cả 3 châu lục: châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, trong đó có những thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, đồng thời nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với các thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng. Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân; đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

Phê chuẩn Hiệp định CPTPP: Tầm mức mới của tiến trình hội nhập ảnh 2Chế biến sản phẩm tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% vào năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ thương mại tự do với các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Thêm vào đó, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

[Infographics] Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP

Năm 2017, tổng trị giá kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành viên Hiệp định CPTPP đạt hơn 67,33 tỷ USD, chiếm 15,84% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, bình quân kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với mỗi thị trường đạt trên 2 tỷ USD.

Trong khi đó, với riêng từng thành viên Hiệp định CPTPP, mức kim ngạch bình quân đạt hơn 6,7 tỷ USD/thị trường, tương đương gần 3,5 lần mức bình quân chung.

Việt Nam còn đạt được mức thặng dư thương mại với hầu hết các đối tác thành viên CPTPP. Trong số 10 thành viên còn lại của Hiệp định CPTPP, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ 4 trong tổng số các bạn hàng của Việt Nam trên toàn thế giới (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ).

Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt hơn 33,4 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều đối tác “tỷ USD” khác là thành viên Hiệp định CPTPP như: Malaysia, Singapore, Australia, Canada, Mexico, Chile...

Hoàn thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư

Hiện Việt Nam đang chú trọng đẩy mạnh hoạt động sản xuất xuất khẩu, với những ưu đãi về thuế quan và sự thông thoáng trong các hàng rào kỹ thuật.

Hiệp định CPTPP sẽ mang lại những cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam (gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Phê chuẩn Hiệp định CPTPP: Tầm mức mới của tiến trình hội nhập ảnh 3Sản xuất may mặc xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Các cam kết trong Hiệp định CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển, qua đó tranh thủ nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và trình độ công nghệ tiên tiến từ những nước có trình độ phát triển cao hơn.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 56,2 tỷ USD. Con số này của nhà đầu tư Singapore là 46,2 tỷ USD, còn của Malaysia là 12,5 tỷ USD, Canada 5 tỷ USD, Australia gần 1,86 tỷ USD, Brunei hơn 1 tỷ USD...

Hiện nay, trong số 11 quốc gia thành viên CPTPP, ngoài Peru chưa có dự án đầu tư vào Việt Nam, thì tất cả các thành viên còn lại đều đã đầu tư vào Việt Nam.

Tổng cộng các nước thành viên CPTPP đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 123 tỷ USD, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ vừa qua. Đây là một con số không hề nhỏ, cho thấy đầu tư của các thành viên CPTPP có ý nghĩa rất lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam.

Tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục