Chiều 17/10, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Hà Giang, nhân chuyến thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quyền Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng; lãnh đạo Ủy ban Dân tộc... cùng dự buổi gặp mặt.
Chúc mừng tỉnh Hà Giang đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 4, Phó Chủ tịch nước chia sẻ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc Việt Nam. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, các chủ trương, chính sách về dân tộc thiểu số ngày càng được hoàn thiện. Đảng và Nhà nước dành nguồn lực ngày càng cao cho công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào ở mọi miền Tổ quốc được hưởng các thành tựu phát triển của đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Nhà nước, Phó Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời biểu dương đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng tỉnh Hà Giang nói riêng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Phó Chủ tịch nước cho biết, cả nước đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Đất nước ta đang đứng trước thời cơ để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Bối cảnh và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước để thực hiện các mục tiêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc tiếp tục nắm bắt tình hình, tham mưu xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc; ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và đô thị, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng phát triển khác trong cả nước.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hà Giang tiếp tục củng cố, duy trì và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc toàn tỉnh để khuyến khích, vận động nhân dân nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, đói nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp hơn, xứng đáng là địa đầu của Tổ quốc.
Tỉnh Hà Giang chăm lo phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; phát huy tiềm năng thế mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc...; xây dựng địa phương trở thành điểm đến đặc sắc. Mỗi người dân - những người hiểu rõ nhất về mảnh đất, con suối, địa hình quê hương, nỗ lực tìm ra mô hình phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất, kinh doanh, giao thương... thích ứng với xu hướng mới.
Cảm ơn Phó Chủ tịch nước dành thời gian gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long khẳng định, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang đã đóng góp to lớn công sức của mình vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ cụ thể hóa chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đồng thời quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 và nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp năm 2025.
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang lần thứ III năm 2019, có 8/10 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tiếp tục có bước phát triển khá. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm gần 6%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%. Ba Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai quyết liệt; tập trung bố trí nguồn lực cho giai đoạn 2021-2025 trên 10 nghìn tỷ đồng...
Trong đó, công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.../.
Bổ sung chính sách chi thăm hỏi một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số
Nghị định số 127/2024/NĐ-CP bổ sung quy định chi thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số" với đối tượng thụ hưởng và mức chi cụ thể.