Ngày 7/4, tại Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau, nhằm kiểm tra tình hình ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, giải quyết nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trong mùa khô 2023-2024.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo của các địa phương về diễn biến thiên tai, những biện pháp, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp từng vùng, địa phương để đảm bảo sản xuất, đời sống người dân trong tình hình diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp, kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, các địa phương đã bảo vệ thành công sản xuất lúa vụ Đông Xuân, vùng trồng cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, giải quyết kịp thời nước sinh hoạt và sản xuất, không để người dân những nơi khó khăn bị thiếu nước dùng trong các tháng cao điểm hạn mặn.
Qua đó, Phó Thủ tướng biểu dương các địa phương đã có nhiều giải pháp chủ động ứng phó tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, giải quyết nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân những nơi khó khăn với quyết tâm giảm nhẹ thiên tai, không để người dân thiếu nước sinh hoạt; ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.
Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác ứng phó được triển khai, kết hợp giữa công trình và phi công trình, xây dựng phương án với tuyên truyền, thông tin sâu rộng cho nhân dân biết và có hành động cụ thể giảm nhẹ thiệt hại cho sản xuất, đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực.
Phó Thủ tướng lưu ý các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau, trên cơ sở giải pháp và kinh nghiệm ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đã đúc kết để chú trọng xây dựng kịch bản, phương án ứng phó chiến lược, dài hơi, kết nối giữa trong tỉnh và liên tỉnh, liên vùng phù hợp với diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu theo dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Đặc biệt, các địa phương quan tâm huy động tốt nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng thủy lợi, giao thông, phòng, chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất phù hợp với quy hoạch từng tỉnh, vùng và liên vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Các địa phương triển khai nhanh, khẩn trương công trình, dự án liên quan phòng, chống hạn mặn; đồng bộ với phòng, chống lũ lụt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài.
Các tỉnh cũng cần lưu ý về lâu dài, trong các kịch bản ứng phó cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cấp nước nông thôn, quản lý, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm bảo vệ môi sinh, môi trường.
Tăng cường phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn
Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các địa phương trong việc phòng, chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, đầu tư giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân ở nơi khó khăn.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân tại xã Vàm Láng và Gia Thuận - hai xã ven biển đang đối mặt tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt của huyện Gò Công Đông; ngăn mặn, trữ ngọt phòng chống hạn mặn, phục vụ dân sinh tại cống âu Nguyễn Tấn Thành, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang./.