Phú Thọ: Nhiều sản phẩm hấp dẫn thu hút du khách dịp nghỉ lễ 2/9

Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch ở Phú Thọ đã triển khai chương trình, chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng phục vụ du khách dịp nghỉ lễ 2/9.

Đông đảo du khách về với lễ hội Đền Hùng năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
Đông đảo du khách về với lễ hội Đền Hùng năm 2024. (Ảnh: TTXVN)

Du lịch tỉnh Phú Thọ dự kiến sẽ đón lượng du khách tăng mạnh vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị hoạt động du lịch tại Phú Thọ đã triển khai chương trình, chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng phục vụ du khách.

Sẵn sàng đón khách dịp nghỉ lễ

Tại huyện Thanh Thủy, để đón đợt cao điểm du lịch cuối năm 2024, địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho Tuần du lịch mùa Thu 2024.

Ông Vũ Đức Kiên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết từ ngày 31/8 đến ngày 4/9, tại huyện Thanh Thủy sẽ diễn ra Tuần du lịch mùa Thu 2024 với chủ đề “Về miền nước xanh.”

TTXVN_2208dulichPhutho.jpg
Tuần Du lịch Thanh Thủy - Mùa Thu năm 2023 có khoảng hơn 30 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm du lịch, sản vật, nông sản. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Vào chiều và tối 31/8, huyện sẽ tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập huyện (1/9/1999-1/9/2024) và khai mạc Tuần du lịch với chương trình nghệ thuật có các tiết mục được dàn dựng công phu, đặc biệt là màn trình diễn drone light (nghệ thuật biểu diễn ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái).

Xuyên suốt thời gian diễn ra Tuần du lịch, huyện sẽ tổ chức không gian đi bộ gắn với trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, các sản vật, nông sản đặc trưng của các địa phương với khoảng 40 gian hàng.

Trong số đó, mỗi xã, thị trấn và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng 1 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Cùng với đó, vào các tối từ ngày 1-4/9 sẽ diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng với các tiết mục hát múa, kịch, trò chơi dân gian… do đội văn nghệ các xã, thị trấn trình diễn.

Tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ homestay tại các thôn, bản của xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) đã đầu tư bồn hoa, cây cảnh, hệ thống tường rào, trang trí cổng hoa, chỉnh trang khuôn viên, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp để đón du khách.

Nhiều chủ nhà hàng chuẩn bị các món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc cùng với nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ và đốt lửa trại để thu hút du khách.

Bà Hà Thị Yến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Sơn cho biết những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của xã được cải tạo, nâng cấp, sửa sang. Tư duy làm du lịch của người dân thay đổi theo hướng tích cực đã thu hút được nhiều du khách đến địa phương.

Hiện nay, bên cạnh Trung tâm Du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn, người dân đã đầu tư xây dựng 11 căn hộ theo hình thức homestay với 47 phòng khép kín, 12 phòng cộng đồng, có khả năng phục vụ 800 du khách qua đêm.

Các dịch vụ được tập trung đầu tư khai thác là du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng; tham quan hệ sinh thái động, thực vật Vườn Quốc gia, hang động...

Nhờ đó, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được đông đảo du khách lựa chọn đặt trước như Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua Resort, Bamboo Resort, Tre nguồn Resort, Thanh Lâm Resort và Khu nghỉ dưỡng Khoáng nóng Wyndham… huyện Thanh Thủy.

Ngoài ra, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (thành phố Việt Trì); Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn); đền Quốc Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa)... dự kiến cũng sẽ đón đông đảo du khách về vãn cảnh và chiêm bái.

Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, để đảm bảo an toàn cho kỳ nghỉ, Sở đã sớm có văn bản đề nghị các cấp, ngành liên quan tích cực phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra hiện tượng tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.

TTXVN_2208Longcoc.jpg
Đồi chè Long Cốc, Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị sản xuất, kinh doanh chấp hành việc kê khai giá, bán đúng giá niêm yết; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan giải quyết kịp thời những vướng mắc, sự cố phát sinh liên quan đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn cho du khách.

Tại các khu, điểm tham quan du lịch, các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hoạt động vui chơi giải trí, vui chơi dưới nước, hoạt động trải nghiệm, lắp đặt biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn cho khách du lịch.

Công tác thông tin, quảng bá du lịch được tỉnh chú trọng; đặc biệt là việc đưa vào sử dụng Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động.

Đây được xem như cuốn cẩm nang du lịch thông minh giúp du khách tự tra cứu, tính toán khoảng cách, sắp xếp các địa điểm du lịch, lưu trú, ăn uống.

Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh đã làm việc để các khu du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn tập trung, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các tour, tuyến du lịch được giới thiệu rộng rãi thông qua ứng dụng Du lịch thông minh giúp du khách đưa ra những lựa chọn phù hợp.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, địa phương là miền đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời với nhiều di sản văn hóa độc đáo.

Trong số đó có 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là: Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Ca trù.

Trên địa bàn hiện có 967 di tích; trong đó, 323 di tích lịch sử-văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến hát Xoan, 5 bảo vật quốc gia, 311 lễ hội truyền thống, 41 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ.

Với những nỗ lực trong thu hút du khách, năm 2024, Phú Thọ đặt mục tiêu đón 800.000 lượt khách đến lưu trú; trong đó có 9.500 lượt khách quốc tế. Tỉnh phấn đấu đạt doanh thu hơn 3.700 tỷ đồng, tăng từ 300-400 tỷ đồng so với năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục