Quan hệ đối tác Iran-Thổ Nhĩ Kỳ: Mặt trận mới ở Libya

Quan hệ đối tác Iran-Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo điều kiện cho nền kinh tế vốn đang suy yếu của Iran. Ở một góc độ lớn hơn, Libya là một mặt trận mới cung cấp cơ hội cho cả hai nước đến gần nhau hơn.
Quan hệ đối tác Iran-Thổ Nhĩ Kỳ: Mặt trận mới ở Libya ảnh 1Máy bay chiến đấu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Carelyst)

Theo trang mạng moderndiplomacy, có sự đồng thuận chiến lược trong giới tinh hoa chính trị cầm quyền hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Bất chấp một vài rối loạn, cả hai quốc gia này đều muốn duy trì mối quan hệ thân thiết để có thể ủng hộ sự ổn định và chủ quyền quốc gia của nhau.

Tám năm sau khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ, Libya vẫn đang nỗ lực chấm dứt xung đột bạo lực và xây dựng các thể chế nhà nước.

Các tác nhân bên ngoài đã làm trầm trọng các vấn đề của Libya bằng cách “bơm” tiền và vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của người dân Libya.

Vô số lực lượng dân quân vũ trang của Libya do Tướng Haftar lãnh đạo có ảnh hưởng đối với hai trung tâm quyền lực chính trị ở phía đông và phía tây với các thể chế song song.

Tướng Haftar được hậu thuẫn bởi các nước thành viên NATO như Pháp, Nga, Ai Cập và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, trong khi đó chính phủ Tripoli, vốn được quốc tế công nhận, được biết đến như chính phủ thỏa hiệp quốc gia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng fayaz AL Sarah được hậu thuẫn bởi Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và hiện nay là Iran.

Sự phối hợp giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh dấu một cột mốc khác trong quan hệ lịch sử của hai cường quốc láng giềng này.

[Iran yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công người Kurd ở Syria]

Từ trước đến nay, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều căng thẳng trong quan hệ. Lịch sử quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể tính từ thế kỷ 16, khi hai hệ thống đế quốc cạnh tranh nhau - Ottoman và Safavids - củng cố quyền cai trị đất nước.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là hai trung tâm đế quốc, và các quốc gia hiện đại được thành lập ở hai nước này được xem như những người kế thừa chế độ cai trị Ottoman và Safavid vốn đã thống trị hầu hết các khu vực Tây Á trong nhiều thế kỷ.

Khi gần như là một đế quốc, các cuộc xung đột chính trị và lãnh thổ đã chiếm ưu thế so với các mối quan hệ đế chế Ottoman-Safavid trong các thời bình.

Sự nổi lên của các nhà nước quốc gia thân phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong năm 1920, dưới sự lãnh đạo của Kemal Turk và Raza Pehlevi đã tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia.

Đến cuối năm 1970, khi chế độ quân chủ Pehlevi bị lật đổ bởi cuộc cách mạng hồi giáo, rất khó để phân biệt nội dung trong hiệp ước được ký giữa giới tinh hoa chính trị hai nước.

Song song với chính sách đối ngoại Trung Đông “Mới” của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 2000, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đã trải qua những giai đoạn thăng trầm.

Các vấn đề về an ninh và tư tưởng chi phối quan hệ giữa hai nước láng giềng đã dần được thay thế bằng những suy xét thực dụng của mỗi bên. Tăng cường tương tác kinh tế, hợp tác an ninh và ngoại giao trên nhiều vấn đề và đáp ứng nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là những sáng kiến nổi bật nhất thời kỳ đó.

Mức tiêu thụ dầu và khí đốt của Ankara ở trong nước đã tăng lên. Để khắc phục vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận dầu khí trị giá 23 tỷ USD trong 25 năm.

Nhìn chung, mức độ thương mại giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên gấp nhiều lần so với thập kỷ qua. Khối lượng thương mại tăng từ 1,2 tỷ USD lên 4,3 tỷ USD trong giai đoạn năm 2001 đến năm 2010 và đạt 10 tỷ USD năm 2015.

Sự lan rộng của Mùa Xuân Arab đã tạo một cơ hội khác cho cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để khai thác trật tự “mới” đang nổi lên ở Trung Đông. Cả hai nước đã cố gắng truyền bá tư tưởng của mình ở các nước Arập. Iran muốn truyền bá phong trào Hồi giáo, còn Thổ Nhĩ Kỳ muốn truyền bá các giá trị dân chủ để gia tăng ảnh hưởng hơn nữa ở Trung Đông.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong hồ sơ hạt nhân của Iran thường được miêu là “người hỗ trợ và xây dựng cầu nối giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và các nước phương Tây trong các cuộc đàm phán.”

Thổ Nhĩ Kỳ về cơ bản không có lợi ích trong chương trình vũ khí hạt nhân Iran nhưng đóng vai trò quan trọng trong các lệnh trừng phạt quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Họ không muốn bước vào cuộc chạy đua hạt nhân với Iran song ủng hộ nước này có được vũ khí hạt nhân nhưng vì mục đích năng lượng hòa bình theo hướng dẫn của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).

Sự gần gũi về địa lý luôn buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải hợp tác với Iran về kinh tế bất chấp những khác biệt về tầm nhìn chính trị và ý thức hệ. Tuy nhiên, là thành viên chung trong nhiều tổ chức khu vực, hai nước đã có những hợp tác thiết thực về các vấn đề của khu vực và các nước láng giềng.

Tuy nhiên, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đã xấu đi trong Cuộc Nội chiến Syria. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các phần tử chống Tổng thống Bashar al-Assad, vốn là một đồng minh nhà nước thực sự của Iran ở Trung Đông và cung cấp con đường an toàn để hỗ trợ Hezbollah ở Liban. Vấn đề người Kurd cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ Syria và Iran ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd.

Libya, một quốc gia nằm ở khu vực Bắc Phi, đã trở thành một sân chơi mới cho các nước "đói" tài nguyên và quyền lực. Sau khi chế độ Gaddafi bị lật đổ, nhiều nhóm đã tuyên bố tính hợp pháp ở quốc gia này.

Các nhóm quyền lực ở phía đông do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo đã kiểm soát phần lớn đất nước. Như tuyên bố của những người đại diện của ông hồi tháng 4/2020, Tướng Khalifa Haftar đang cố gắng kiểm soát nốt thủ đô.

Ông Haftar được hậu thuẫn bởi Nga, Ai Cập, Pháp, UAE và Saudi Arabia, trong khi chính phủ Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và được hậu thuẫn bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và nay là Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Sự gia nhập của Saudi và các đồng minh khác chống Iran đã khiến Cộng hòa Hồi giáo Iran dao động và đánh giá lại sự tham gia của mình trong cuộc khủng hoảng này.

Iran đã tuyên bố ủng hộ chính phủ Libya ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Javed Zarif đã đến thăm Istanbul và trong cuộc họp báo đã phát biểu: “Chúng tôi tìm cách có một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya và chấm dứt Cuộc Nội chiến. Chúng tôi ủng hộ chính phủ hợp pháp và có quan điểm chung với Thổ Nhĩ Kỳ để chấm dứt khủng hoảng ở Libya và Yemen.”

Hơn nữa, Gvusoglu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc lại sự phản đối của nước này đối với các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Ông nói thêm: “Sự ổn định và hòa bình của Iran là rất quan trọng đối với chúng ta” Sarya Ansar - lực lượng dân quân Iraq do người Shi'ite hậu thuẫn, cũng đang hoạt động ở Syria - đã vào Libya để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các hiệp định hợp tác an ninh và quốc phòng đã được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Hầu hết lãnh thổ rộng lớn và tài nguyên dầu mỏ của Libya là mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan muốn lấy lại những vùng đất cũ thuộc về đế chế Ottoman.

Việc hình thành Khối hồi giáo mới được dự đoán sẽ bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Qatar, Pakistan, Tunisia và Libya. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng gây áp lực nhiều hơn lên châu Âu để trao cho mình tư cách thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Vị trí chiến lược ở Vịnh Persian, Eo biển Harmuz và kiểm soát của Ankara đối với Eo biển Bosporus là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác năng lượng giữa hai cường quốc láng giềng này. Sự hỗ trợ của lực lượng dân quân Iran sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya và sẽ buộc các phần tử chống chính phủ phải cúi đầu trước chính phủ được thành lập theo hiệp ước quốc gia.

Mặt khác, Iran đã tìm thấy cơ hội để truyền bá cách mạng hồi giáo ở quốc gia do dòng Sunni thống trị này. Nó sẽ giúp Iran định hướng lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy họ muốn có mối quan hệ tích cực với Iran. Iran là quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn thứ hai ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp một nền tảng để nêu những vấn đề trừng phạt với châu Âu và Mỹ.

Các cuộc xung đột tiếp diễn ở Syria và vấn đề người Kurd có thể được giải quyết bằng việc thực hiện hành động chung của hai quốc gia và bằng cách này, các mối quan hệ chính trị và kinh tế ổn định sẽ có thể đạt được.

Lập trường giống hệt nhau về vấn đề Israel sẽ củng cố mối quan hệ hai nước theo hướng tích cực. Bất chấp những khác biệt chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã bảo vệ hợp tác song phương mạnh mẽ hơn.

Tóm lại, quan hệ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử nhưng chúng rất có ý nghĩa cho sự ổn định của nhau trong khu vực để chống lại kẻ thù chung. Không còn nghi ngờ gì nữa, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đạt được những tham vọng của mình ở Trung Đông cũng như ở Bắc Phi.

Là một người chơi chính nhưng lúc này Iran cần sức mạnh kinh tế lớn hơn và Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp cơ hội này cho Iran. Sự hợp tác này có thể tạo điều kiện cho nền kinh tế vốn đang suy yếu của Iran. Ở một góc độ lớn hơn, Libya là một mặt trận mới cung cấp cơ hội cho cả hai nước đến gần nhau hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục