Quan hệ song phương London-Bắc Kinh được coi là “kỷ nguyên vàng”

Tại cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc-Anh, hai bên nhất trí được nhận thức chung làm cơ sở cho quan hệ song phương trong giai đoạn mới mà London-Bắc Kinh coi là “kỷ nguyên vàng.”
Quan hệ song phương London-Bắc Kinh được coi là “kỷ nguyên vàng” ảnh 1Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Anh Theresa May. (Ảnh: THX/TTXVN)

Có thể nói chuyến thăm của Thủ tướng Anh Theresa May tới Trung Quốc kết thúc ngày 2/2 đã đạt kết quả thực chất, đáp ứng được mục tiêu đề ra, cũng là nhiệm vụ quan trọng chiến lược hàng đầu của Chính phủ Anh, đó là tìm kiếm thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới ngoài Liên minh châu Âu (EU) cho thời hậu Brexit.

Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí được nhận thức chung làm cơ sở cho quan hệ song phương trong giai đoạn mới mà London và Bắc Kinh coi là “kỷ nguyên vàng.”

Mặc dù Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh, song tình hình thay đổi liên quan tới tiến trình nước Anh rời EU đang khiến mối quan hệ hợp tác hai nước thêm nhiều cơ hội xen lẫn thách thức.

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán Brexit còn hết sức chông gai, nguy cơ nước Anh bị mất quyền tiếp cận các thị trường tài chính và không đạt được một thỏa thuận tự do thương mại toàn diện với EU vẫn lơ lửng, chính phủ của bà May đang chú trọng tìm kiếm các đối tác thương mại tiềm năng mới.

Ngoài Mỹ, Australia, Canada phát triển quan hệ đối tác thương mại mới với châu Á trong những năm tới đang là hướng đi được Thủ tướng May ưu tiên và giới chức Anh đã hơn một lần nhắc tới những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, được cho là có thể trở thành một nguồn đầu tư quan trọng hơn đối với Anh sau khi nước này rời EU vào tháng 3/2019.

Trung Quốc là điểm then chốt trong các kế hoạch của Chính phủ bà May vì một "nước Anh toàn cầu," tiến tới thiết lập những thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác ngoại giao mới trên khắp thế giới.

Đây cũng là lý do Thủ tướng Anh Theresa May dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp lớn gồm đại diện 40 công ty, các trường đại học và các tổ chức thương mại trong chuyến thăm Trung Quốc lần này.

Trao đổi thương mại Anh-Trung Quốc hiện ở mức 59 tỷ bảng một năm và trong chuyến viếng thăm này hai nước đã ký với nhau một số hợp đồng, với tổng trị giá 9 tỷ bảng Anh.

[Cựu Thủ tướng Anh Cameron quản trị quỹ 1 tỷ USD với Trung Quốc]

Đây được coi là cơ sở thuận lợi để hai nước phát triển mối quan hệ kinh tế-thương mại song phương đi vào chiều sâu và ngày càng vững chắc.

Tuy nhiên, việc Anh rời EU cũng bị cho là sẽ khiến vị thế của nước này bị giảm sút bởi Trung Quốc vốn coi London là một đồng minh quan trọng khi nước này là một thành viên EU.

Nhiều ý kiến cho rằng sau sự kiện người Anh lựa chọn rời bỏ “ngôi nhà chung”, mối quan tâm của Trung Quốc đã chuyển sang từ Anh sang Pháp. Vấn đề là trong chuyến thăm nay, bà May phải hài hòa được các lợi ích chung theo hướng “đôi bên cùng có lợi” để tìm kiếm những cơ hội ở Trung Quốc.

Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về xu thế "hợp tác cùng thắng" trong quan hệ hai nước, phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn phát triển và hợp tác song phương, cho thấy cách tiếp cận khôn khéo của bà May đã giúp nữ Thủ tướng Anh thành công trong chuyến thăm lần này.

Thủ tướng May đã nhận được cam kết về sự sẵn sàng của Trung Quốc trong hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra đề xuất bốn điểm để thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai, bao gồm: hai nước xem xét vạch kế hoạch phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện; cùng thúc đẩy hợp tác thương mại-kinh tế song phương; củng cố việc trao đổi và hợp tác trong khuôn khổ các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... để giải quyết các thách thức toàn cầu; tăng cường giao lưu nhân dân cũng như trao đổi văn hóa.

Đây là bằng chứng cho thấy chuyến công du Trung Quốc lần này đã tạo cơ sở đầu tiên giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước, đúng như kỳ vọng của bà May.

Năm ngoái, cũng trong khuôn khổ chiến dịch tìm kiếm đối tác mới ở châu Á thời hậu Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã tới Nhật Bản, một cường quốc kinh tế hàng đầu châu lục.

Quốc gia Đông Bắc Á này cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Anh, khi có tới gần 900 công ty Nhật Bản đang sử dụng khoảng 142.000 lao động ở Anh.

Nhật Bản cũng đầu tư đáng kể vào London, nơi được các ngân hàng coi là cửa ngõ tài chính tiến vào châu Âu.

Chuyến thăm của Thủ tướng May tới các nền kinh tế hàng đầu châu Á như vậy được cho là nhằm khẳng định sự quan tâm và ủng hộ của Chính phủ Anh đối với các nhà đầu tư châu Á, cũng như London đang muốn chứng minh rằng việc rời khỏi EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Anh thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong bối cảnh Anh sắp bước vào giai đoạn đàm phán Brexit quyết định, chuyến thăm của Thủ tướng May tới Trung Quốc được đánh giá là đúng thời điểm và đạt hiệu quả.

Không chỉ thúc đẩy quan hệ đối tác mới với Trung Quốc, kết quả của chuyến thăm sẽ tạo động lực cho nước Anh có thêm tự tin trước khi bước vào vòng đàm phán mới với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục