Quảng Nam đối diện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 12.000ha trên tổng số hơn 25.000ha diện tích sản xuất vụ Hè Thu phải thực hiện các giải pháp phòng chống hạn và nhiễm mặn.
Quảng Nam đối diện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 19/7, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn cán bộ của Tổng cục đã đi kiểm tra thực tế một số địa phương và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam liên quan đến tình hình nguồn nước, hạn hán, an toàn hồ chứa trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh cho biết vụ Đông Xuân 2018-2019, nhìn chung thời tiết, nguồn nước cơ bản thuận lợi, công ty cấp nước tưới đảm bảo theo kế hoạch với tổng cộng gần 24.780ha.

Trong vụ Hè Thu, diện tích tưới là trên 25.500ha; trong đó, có hơn 24.000ha diện tích lúa, hơn 1.300ha hoa màu, còn lại là nuôi trồng thủy sản.

Từ đầu tháng 6/2019 đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ cao, nước mặn xâm nhập mạnh nên việc cung cấp nước tưới gặp nhiều khó khăn. Mực nước các hồ chứa giảm nhanh, việc đưa nước đến các khu ruộng cuối kênh rất khó khăn.

Công ty đã tăng cường quản lý, điều tiết tưới nên cơ bản đảm bảo nước tưới, đồng thời vận hành nhiều trạm bơm chống hạn cho hàng trăm hécta ở các địa bàn bị thiếu nước tưới.

[Sản xuất nông nghiệp đối diện với tình trạng hạn hán gia tăng]

Vào thời điểm hiện tại, nguồn nước sông Thu Bồn liên tục giảm thấp đến rất thấp nên nước mặn xâm nhập mạnh, đơn vị đã thực hiện đắp đập ngăn mặn cầu Gò Nổi để ngăn nước mặn xâm nhập vào trạm bơm điện Xuyên Đông và đập dâng Duy Thành tưới cho hơn 1.400ha và đang hỗ trợ cứu hạn cho một số trạm bơm của huyện Duy Xuyên.

Nước mặn xâm nhập rất mạnh trên sông Thu Bồn vào đầu sông Vĩnh Điện từ cuối tháng 6/2019. Đơn vị đã phải đào vét lấy nước đẩy mặn để bơm tưới nhưng đến nay nước mặn đã xâm nhập quá khốc liệt, có tính lịch sử.

Trên sông Thu Bồn cách đầu sông Vĩnh Điện (Vòm Cẩm Đồng) về phía thượng lưu 2km, nồng độ mặn đã lên đến 7‰; tại bể hút trạm bơm Vĩnh Điện đã 2‰ và với tình hình này, diện tích tưới gần 2.000ha thuộc các trạm bơm lấy nước trên sông Vĩnh Điện đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trương Xuân Tý, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết qua thống kê ở các địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000ha trên tổng số hơn 25.000ha diện tích sản xuất vụ Hè Thu phải thực hiện các giải pháp phòng chống hạn và nhiễm mặn.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương tăng cường tìm tất cả các nguồn nước để phục vụ tưới. Thế nhưng, toàn tỉnh vẫn có trên 100ha chủ yếu ở thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên đã hết giải pháp, không còn nguồn để cung cấp nước.

Quảng Nam đối diện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ những áp lực của địa phương đối với tình hình hạn hán hiện tại, đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong công tác chống hạn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị Sở tham mưu tỉnh có cuộc họp để đánh giá tình hình hiện tại, dự báo nguồn nước, tìm kiếm giải pháp, xây dựng từng kịch bản cho việc bố trí nước phục vụ sản xuất và có thể đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với những vấn đề cấp bách.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị Quảng Nam cần có những điều chỉnh, chuyển đổi phù hợp đối với cơ cấu cây trồng, tính tới phương án lâu dài trong điều kiện diễn biến của thiên tai, thời tiết ngày càng phức tạp.

Về lâu dài, Tổng cục Thủy lợi đang cùng với các viện bám sát địa bàn, nắm thông tin dự báo nguồn nước cũng như giúp các địa phương xây dựng từng kịch bản bố trí nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời, phải tính đến phương án né mặn, điều chỉnh việc cân đối gieo sạ để lấy nước khi xảy ra hạn hán, tiếp đó là điều chỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục