Quốc hội dân bầu Libya bác bỏ phán quyết của Tòa án tối cao

Quốc hội dân bầu được quốc tế công nhận của Libya đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao về việc hủy điều khoản sửa đổi hiến pháp và vô hiệu hóa cuộc bầu cử ngày 25/6.
Quốc hội dân bầu Libya bác bỏ phán quyết của Tòa án tối cao ảnh 1Các chiến binh Hồi giáo xung đột với lực lượng dân quân tại khu vực al-Lithi, thành phố biển miền đông Benghazi ngày 2/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/11, Quốc hội dân bầu được quốc tế công nhận của Libya đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao về tính hợp pháp của cơ quan này, đồng thời khẳng định rằng Quốc hội mới sẽ tiếp tục làm việc cùng với chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử lập pháp hôm 25/6 vừa qua.

Trước đó cùng ngày, Tòa án tối cao Libya đã ra phán quyết hủy điều khoản sửa đổi hiến pháp từng dẫn tới cuộc bầu cử ngày 25/6, từ đó vô hiệu hóa cuộc bầu cử này cũng như mọi quyết định sau bầu cử.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố chính thức được phát trên kênh truyền hình Libya Awalan, Quốc hội mới khẳng định các nghị sỹ đã được bầu chọn trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân Libya trong một cuộc bầu cử tự do và đáng tin cậy.

Tuyên bố cũng cáo buộc phán quyết trên được đưa ra "dưới sự đe dọa của vũ khí" vì thủ đô Tripoli đang bị các tay súng nổi dậy chiếm đóng.

Một số cơ quan truyền thông địa phương cũng nhận định phán quyết của Tòa án Tối cao có thể là kết quả của sức ép từ lực lượng Libya Fajir (Bình minh Libya) - một liên minh Hồi giáo vũ trang đang kiểm soát thủ đô Tripoli từ tháng Tám.

Nhóm này ủng hộ Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC, tức cơ quan lập pháp cũ) và lập ra một chính phủ tự xưng đặt trụ sở tại Tripoli.

Cùng ngày, người đứng đầu GNC, ông Nouri Abusahmain cho rằng phán quyết của tòa mở ra cơ hội cho một cuộc đối thoại quốc gia.

Libya đang trải qua một cuộc xung đột chính trị với sự tồn tại song song của hai chính phủ và hai quốc hội. Theo kế hoạch chuyển tiếp ở Libya, GNC phải mãn nhiệm trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử ngày 25/6 để bầu Quốc hội mới.

Tuy nhiên, cơ quan lập pháp cũ không chịu từ nhiệm và tự thành lập một chính phủ song song dưới sự hỗ trợ lực lượng Libya Fajir.

Trong một diễn biến liên quan, Algeria và Tunisia đã nhất trí cho rằng hòa giải và đối thoại là con đường giải quyết khủng hoảng tại Libya.

Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra nhân chuyến thăm Algers, Ngoại trưởng Tunisia Elmoundji Hamdi cho biết Algeria và Tunisia nhất trí kêu gọi các bên ở Libya tiến hành đối thoại và hòa giải.

Hồi tháng Chín vừa qua, Ngoại trưởng Lamamra thông báo Algeria sẽ đăng cai tổ chức các cuộc đối thoại hòa bình giữa các bên xung đột tại Libya nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, các cuộc thương lượng vẫn chưa diễn ra vì bạo lực gia tăng. Ông Lamamra cho biết sáng kiến hòa bình của Algeria khuyến khích đối thoại rộng rãi tại Libya không có bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, đồng thời kêu gọi các bên ở Libya đạt thỏa thuận ngừng bắn trước tiên.

Trong phản ứng của mình, Mỹ đang cân nhắc áp đặt trừng phạt đối với các phe phái đối địch tại Libya nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột bùng phát thành nội chiến toàn diện, và buộc thủ lĩnh các nhóm vũ trang ngồi vào bàn đàm phán.

Trước đó, Liên hợp quốc cũng cân nhắc khả năng áp đặt trừng phạt nhằm hối thúc các cuộc đàm phán chính trị tại Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục