Quốc hội Đức chấp thuận chi 2,2 tỷ euro mua bổ sung vaccine COVID-19

Quyết định chi thêm 2,2 tỷ euro mua vaccine được đưa ra trong bối cảnh Đức đối mặt với làn sóng dịch thứ tư và nguồn vaccine của nước này đang cạn kiệt, trong khi biến thể mới Omicron đang lan rộng.
Quốc hội Đức chấp thuận chi 2,2 tỷ euro mua bổ sung vaccine COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Sonthofen, Đức ngày 30/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/12, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức đã “bật đèn xanh” cho đề xuất của Bộ Y tế và Bộ Tài chính chi thêm 2,2 tỷ euro (2,48 tỷ USD) từ ngân sách để mua 92 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 phục vụ chương trình tiêm phòng trong những tháng tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Đức đang đối mặt với làn sóng dịch thứ tư và chính phủ mới của nước này báo động nguồn vaccine đang cạn kiệt, trong khi biến thể mới Omicron đang lan rộng trên thế giới.

Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cho biết Đức sẽ mua 80 triệu liều vaccine của BioNTech/Pfizer thông qua các chương trình của Liên minh châu Âu (EU) và 12 triệu liều trên thị trường mở.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Tài chính tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Lauterbach nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhanh chóng có thêm vaccine để đẩy nhanh chiến dịch tiêm mũi tăng cường.” Hiện nguồn vaccine của Đức dự trữ cho quý 1/2022 đang ở mức rất thấp. 

Theo ông Lauterbach, Bộ Y tế sẽ nỗ lực hơn nữa để đảm bảo có đủ nguồn vaccine cho người dân, trong đó có nhóm đối tượng từ 5-11 tuổi dự kiến bắt đầu được tiêm phòng trong tháng 12 này.

Ông cho biết tỷ lệ ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tại Đức dù đã giảm nhẹ trong vài ngày qua, nhưng vẫn ở mức rất cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng, có thể chính phủ phải áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn.

[Dịch COVID-19: Nhiều bang ở Đức siết chặt các biện pháp hạn chế]

Trước đó, hội đồng các chuyên gia khoa học, được thành lập theo đề xuất của chính phủ mới, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên nhằm đưa ra những nhận định, đánh giá về tác động của biến thể Omicron, cũng như diễn biến dịch bệnh để chính phủ tham khảo trước khi đưa ra những chính sách chống dịch mới.

Hội đồng khoa học trên gồm những chuyên gia đến từ các ngành nghiên cứu virus học, miễn dịch học, tâm lý học và y học nói chung.

Hội đồng cũng bao gồm đại diện của Viện Robert Koch (RKI), cơ quan liên bang chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh và Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) của Đức.

Theo kế hoạch, hội đồng chuyên môn sẽ họp mỗi tuần một lần, thảo luận về biến thể Omicron và những tác động của biến thể mới này nhằm tìm ra một giải pháp có thể sớm kiểm soát được tình hình. 

Ngoài hội đồng chuyên môn, một nhóm xử lý khủng hoảng mới cũng được chính phủ thành lập, với đại diện của cả chính phủ liên bang và chính quyền các bang.

Nhóm xử lý khủng hoảng này sẽ thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng, theo đó thúc đẩy việc mở cửa các điểm tiêm chủng trên toàn quốc kể cả trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục