Quốc lộ 5 quá tải vì các khu công nghiệp và dân cư phát triển nhanh

Việc cải tạo nâng cấp các cầu vượt qua Quốc lộ 5 cần nguồn kinh phí lớn, công việc giải phóng mặt bằng phức tạp... trong khi doanh thu từ nguồn thu phí trên Quốc lộ 5 chưa đảm bảo mức thu.
Quốc lộ 5 quá tải vì các khu công nghiệp và dân cư phát triển nhanh ảnh 1Một cầu vượt trên Quốc lộ 5. (Ảnh: Hiền Anh/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp các cầu vượt trên Quốc lộ 5 thuộc địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Hưng Yên có 7 cầu vượt được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu lưu thông, đi lại của người dân trong các khu dân cư, công nghiệp, cơ quan hai bên dọc đường… gồm 1 cầu dành cho người đi bộ, 3 cầu dành cho xe máy và người đi bộ, 3 cầu dành cho ôtô dưới 3,5 tấn, xe máy và người đi bộ (3 cầu được xây dựng năm 2000; một cầu xây dựng năm 2004; hai cầu xây dựng năm 2014).

Trong quá trình quản lý, khai thác và bảo trì Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ theo quy định; vệ sinh sạch sẽ mặt cầu, khe co giãn, sơn lan can cầu, sơn bê tông thành cầu, lau và sơn hệ thống biển báo ... việc quản lý, bảo vệ hành lang cầu vượt được thực hiện thường xuyên.

Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận do các cầu này đều nằm ở các khu đông dân cư nên việc lấn chiếm gầm cầu, hành lang đường đầu cầu để kinh doanh vật liệu xây dựng, bán hàng rất nghiêm trọng. Đơn vị quản lý đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương để giải tỏa vi phạm hành lang cầu nhưng hiệu quả thấp, việc lấn chiếm vẫn tái diễn, đặc biệt là cầu vượt tại Km16+970 và cầu vượt tại Km28+753.

Mặc khác, do sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, khu dân cư dọc hai bên tuyến Quốc lộ 5, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên cầu đã vượt quá năng lực thiết kế đồng thời việc chính quyền địa phương không bố trí quỹ đất xây dựng đường gom nên khi nhu cầu của người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, một số cầu vượt trên tuyến đã không đáp ứng được nhu cầu kết nối giao thông…

[Khẩn trương sửa chữa vị trí hư hỏng mất an toàn giao thông Quốc lộ 5]

Theo phương án đề xuất, việc cải tạo nâng cấp các cầu vượt qua Quốc lộ 5 cần nguồn kinh phí lớn (VIDIFI dự kiến khoảng 50 tỷ/cầu), công việc giải phóng mặt bằng phức tạp... trong khi doanh thu từ nguồn thu phí trên Quốc lộ 5 chưa đảm bảo mức thu đồng thời phương án tài chính của dự án BOT không có nội dung về cải tạo nâng cấp các cầu vượt qua Quốc lộ 5.

“Trong điều kiện tình hình tài chính của VIDIFI còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư công trung hạn Giai đoạn 2021-2025 được Ngân sách Trung ương bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải đã được cân đối, bố trí cho các dự án theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không còn nguồn vốn để bố trí cho các việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các cầu vượt dân sinh trên Quốc lộ 5 theo đề nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Với những khó khăn như trên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên có ý kiến với Ủy ban Nhân dân tỉnh nghiên cứu phương án nhận điều chuyển các cầu vượt dân sinh này thành tài sản của địa phương và thực hiện công tác đầu tư, quản lý, sử dụng, bảo trì bằng nguồn ngân sách địa phương. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục