Quốc tế quan ngại về khủng hoảng chính trị tại Niger

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 2/7 đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về cuộc khủng hoảng chính trị ở Niger.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 2/7 đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về cuộc khủng hoảng chính trị ở Niger sau khi Tổng thống nước này Mamadou Tandja giải tán Quốc hội và Tòa án Hiến pháp.

Trong tuyên bố, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Niger đe doạ gây bất ổn đồng thời hủy hoại những tiến bộ dân chủ gần đây tại nước này. Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên ở Niger kiềm chế và tiến hành đối thoại chính trị để giải quyết khủng hoảng.

Tổng thống Tandja giải tán Quốc hội và Tòa án Hiến pháp Niger trong nỗ lực nhằm tiếp tục tại vị. Ông Tandja dự định tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi hiến pháp để ông có thể tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm lần thứ 3 trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Ông Tandja đã quyết định giải tán Tòa án Hiến pháp ngày 29/6 vừa qua sau khi tòa án này phán quyết kế hoạch trên của ông là bất hợp pháp. Trước đó, hồi cuối tháng 5, Tổng thống Tandja đã giải tán Quốc hội Niger.

Tổng thư ký Ban Ki-moon đề nghị các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc phối hợp với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Niger. AU đã cử một phái đoàn đến Niger hỗ trợ giải quyết khủng hoảng.

Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày 2/7 cũng kêu gọi các phe phái chính trị ở Niger đàm phán nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng chính trị.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Fredrik Reinfeld của Thụy Điển - nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU, bày tỏ quan ngại về tình hình Niger, đồng thời hoan nghênh Liên minh châu Phi và ECOWAS nỗ lực hỗ trợ giải quyết khủng hoảng chính trị ở quốc gia Tây Phi này.

Chính phủ Mỹ ngày 1/7 cũng đã bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây tại Niger./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục