Ra mắt hàng loạt nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá

Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá,” Chương trình “Kết nối triệu con tim” đã ra mắt các nền tảng số thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.
(Ảnh: PV/Vietnam+)
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá,” Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Kết nối triệu con tim” vào ngày 1/10 tại Hà Nội.

Chương trình được tổ chức nhằm phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và đã ra mắt các nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá.

Bản đồ chung sống an toàn COVID-19

Tại sự kiện, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, Bộ Y tế cùng đề án Tri thức Việt số hoá đã ra mắt Bản đồ chung sống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn). Hệ thống bao gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ Việt Nam (vmap.vn) để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.

Ra mắt hàng loạt nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá ảnh 1Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19; Bộ Y tế cùng đề án Tri thức Việt số hoá đã ra mắt Bản đồ chung sống an toàn Covid. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng này hàng ngày và thường kỳ để đảm bảo việc giám sát điều kiện an toàn COVID-19 được thực hiện thường xuyên liên tục và minh bạch.

Hệ thống antoancovid.vn do các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với công ty cổ phần công nghệ DTT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Doctor4u.vn cùng đội thông tin đáp ứng nhanh COVID-19 thực hiện và sẵn sàng triển khai tại các trường học, bệnh viện vào 1/10/2020.

Nền tảng giáo dục số

Nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn) là sản phẩm hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hoá và các đối tác tài trợ, hỗ trợ với mục tiêu tạo ra một nền tảng Kho học liệu số trực tuyến.

Kho học liệu số này sẽ thu thập lựa chọn, chia sẻ, học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường; cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến.

[Dự kiến 3 hình thức dạy học trực tuyến từ năm 2020-2021]

Sản phẩm này cũng giúp nâng cao năng lực số cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hiệu quả. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.

Đến nay, dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu đồng thời cập nhật hàng ngàn bài giảng, hàng trăm đầu sách giáo khoa.

Hệ thống cũng đã tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; đã cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng.

Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam-bktt.vn

Dự án biên soạn Bách khoa toàn thư mở (bktt.vn) do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai trên nền tảng mã nguồn mở.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một nền tảng tổng hợp, hệ thống hóa, lưu trữ và phổ biến những tri thức tinh hoa của Việt Nam và thế giới cho toàn dân trên môi trường số.

Ra mắt hàng loạt nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ “Bách khoa toàn thư mở đầu tiên tại Việt Nam” do cộng đồng tự biên soạn và điều chỉnh, là mô hình chưa từng có trên thế giới khi không chỉ là nguồn tham khảo mà còn được kỳ vọng là tài liệu học thuật chính thức và đáng tin cậy, được sử dụng một cách chính thống trong hoạt động dạy và học.

[Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam chính thức đi vào hoạt động]

FPT sẽ phối hợp cùng Hệ tri thức Việt số hóa huy động nguồn lực cộng đồng xây dựng và vận hành nền tảng hạ tầng và giải pháp công nghệ, thu hút toàn dân, đặc biệt là giới trí thức, tham gia biên soạn các mục từ trong bộ Bách khoa toàn thư mở khổng lồ này.

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu các nội dung do cộng đồng tham gia biên soạn, chỉnh sửa phù hợp và quyết định việc dùng nội dung chính thức.

Mục tiêu trong giai đoạn đầu của dự án là xây dựng phiên bản đầu tiên đạt 60.000 mục từ chất lượng, được cập nhật định kỳ từ nguyên liệu bản mở bởi ban biên soạn chính thức. Sau khi xuất bản trọn bộ bản in giấy, bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam có thể được đưa lên mạng để người dân tra cứu theo quyết định của nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục