Sân khấu kịch ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm cách “giữ lửa”

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo bằng những vở diễn, chương trình mới, chất lượng và hấp dẫn, sân khấu nghệ thuật biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu hút, kéo khán giả trở lại rạp sau dịch.
Sân khấu kịch ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm cách “giữ lửa” ảnh 1Một vở diễn ở Sân khấu kịch Phú Nhuận. (Nguồn: Sân khấu kịch Phú Nhuận)

Khi Thành phố Hồ Chí Minh dần nới lỏng các hoạt động sau thời gian dài giãn cách xã hội cũng là lúc các đơn vị văn hóa, nghệ thuật như sân khấu, nhà hát đang tích cực, tất bật để chuẩn bị để trở lại với khán giả.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức; đặc biệt là làm sao để thu hút khán giả đến với sân khấu trực tiếp một cách linh hoạt, an toàn.

Nỗ lực thích ứng an toàn với dịch

Nghệ sỹ Ưu tú Thành Lộc cho rằng là một người nghệ sỹ làm nghề tử tế phải tiếp tục cống hiến và dấn thân dù gặp khó khăn khi phải sống chung với dịch bệnh nhiều phức tạp.

Điều công chúng mong mỏi nhất lúc này là sân khấu có thể mang đến điều gì cho người xem từ góc nhìn đầy tinh thần trách nhiệm của các nghệ sỹ. Do đó, ba mũi nhọn cần tập trung tại thời điểm hiện nay là kịch bản, công tác đạo diễn và tiếp cận khán giả.

Tương tự, Nghệ sỹ Nhân dân Kim Cương cho rằng khi cuộc chiến chống COVID-19 được xác định còn kéo dài, biểu diễn nghệ thuật cũng phải tìm cách thích ứng an toàn với đại dịch.

Sân khấu kịch có thể dựa vào hào quang cũ để khơi gợi sáng tạo, cần sự chung sức khi phản ánh đời sống thực tế. Điều quan trọng là phải làm sao để mỗi sân khấu phải là một thương hiệu, một phong cách, đưa đến khán giả những tác phẩm mang tính đối thoại, phản biện nhưng vẫn đầy chất phóng khoáng của người Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp phòng dịch an toàn tại các sân khấu, địa điểm biểu diễn để khán giả yên tâm, các đơn vị nghệ thuật cần có kịch bản hay, hấp dẫn, thủ pháp dàn dựng mới mẻ trong mỗi tác phẩm, vở diễn, chương trình.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, quảng bá các vở diễn, chương trình mới cần được đẩy mạnh để thu hút khán giả trở lại với sân khấu sau một thời gian dài giãn cách xã hội.

[Tìm giải pháp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh]

Kinh nghiệm từ các đợt dịch COVID-19 trước cho thấy, sau thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh, nhờ sự chuẩn bị trở lại chu đáo, nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã tạo nên những “cơn sóng” hấp dẫn khán giả thành phố, trong đó có những vở diễn đạt hàng trăm suất diễn...

Nhiều chuyên gia cho rằng cùng với sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực; phát triển lực lượng lý luận phê bình nghệ thuật biểu diễn có trình độ, chuyên môn cao... Song hành với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, đơn vị nghệ thuật biểu diễn, các nghệ sỹ, diễn viên phải luôn nuôi dưỡng đam mê, không ngừng học tập, sáng tạo, kiên trì tập luyện, trau dồi chuyên môn mang đến cho khán giả thành phố những vở diễn, chương trình hấp dẫn đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch trong khi tập luyện.

Cần có chính sách hỗ trợ lâu dài

Một sự thật là kịch nói Việt Nam dù đã tròn 100 năm song hiện vẫn còn tồn tại lỗ hổng, đó là chưa có trường lớp nào đào tạo nhà quản lý, nhà sản xuất. Nhiều người quản lý họ không biết gì về phân khúc thị trường, công tác quan hệ công chúng, chiến lược dàn dựng và xây dựng thương hiệu. Đó là nhận định của ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện sân khấu Kịch Idecaf.

Sân khấu kịch ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm cách “giữ lửa” ảnh 2Một sân khấu kịch ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Siu.edu.vn)

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, kịch nói tại Thành phố Hồ Chí Minh như “lửa rơm,” có lúc bừng sáng, có lúc tắt ngúm. Để khôi phục guồng máy sau đại dịch, rất cần chủ trương, chính sách hợp lý, đồng thời cần có Luật Sân khấu như bên điện ảnh đã bàn thảo về Luật Điện ảnh. Hành lang pháp lý này sẽ là nền tảng giúp sân khấu kịch nói phát triển căn cơ hơn chứ không theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Đại diện sân khấu kịch Idecaf cho biết, kịch miền Bắc được bao cấp từ ngân sách, còn kịch miền Nam bán vé để nuôi sống từng vở diễn nên vai trò của các nhà quản lý được đào tạo chính quy là rất quan trọng. Bên cạnh đó, sau gần 2 năm bị dịch COVID-19 gây tổn thất, nguồn lực của sân khấu tư nhân đã đuối, cần có chính sách hỗ trợ giá vé để khán giả đến xem trực tiếp.

Đồng quan điểm, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, người từng có kinh nghiệm hơn 40 năm giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, để bảo đảm hoạt động trở lại, hầu hết sân khấu tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cần được quan tâm, hỗ trợ để hồi phục, vực dậy thị trường biểu diễn sau thời gian dịch bệnh phải tạm ngưng hoạt động. Trong đó, thiết thực nhất là trợ lực để các đơn vị nghệ thuật biểu diễn có kinh phí đầu tư dàn dựng, quảng bá tác phẩm, vở diễn, cũng như trả lương, ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sỹ; hỗ trợ tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp, trực tuyến cho các đơn vị, nhà hát, góp phần kích thích sức làm việc, sáng tạo của nghệ sĩ, diễn viên...

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch cần được quan tâm với việc tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ diễn viên, nhân viên... các đơn vị nghệ thuật biểu diễn để họ yên tâm làm việc. Về lâu dài, để thúc đẩy phát triển sân khấu nghệ thuật biểu diễn, cơ quan quản lý cần có chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật.

Trong thời gian dài tắt đèn, ngành nghệ thuật biểu diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tâm thế, từng bước hướng tới thiết lập các website, kênh phát sóng trực tuyến để quảng cáo các chương trình, kịch mục trên nhiều nền tảng công nghệ nhằm chào đón người xem.

Bàn về cách làm này, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tổ chức biểu diễn trực tuyến là một giải pháp tình thế cần được chú trọng trong tình hình hiện nay.

Sân khấu kịch tại thành phố phải tích cực vận dụng cách làm này để khán giả thấy được cái đẹp từ sàn diễn mà chọn lựa sản phẩm thích hợp để đến xem. Sự tương tác trực tiếp giữa khán giả với nghệ sỹ sẽ góp phần mang lại hiệu ứng sáng tạo cho sân khấu kịch.

Trong tháng 12/2021, Cục Nghệ thuật Biểu diễn dự định tổ chức Liên hoan Sân khấu kịch nói dành cho các sân khấu kịch tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghệ sỹ Ưu tú Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nếu diễn ra đúng hẹn, cùng với sự chuẩn bị trở lại chu đáo bằng những vở diễn, chương trình mới, chất lượng và hấp dẫn, sân khấu nghệ thuật biểu diễn tại thành phố sẽ thu hút, kéo khán giả trở lại rạp, thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục