Sắp khai trương văn phòng của IAEA tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Theo kế hoạch, trong 4 ngày ở Nhật Bản, Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, sẽ khai trương một văn phòng của IAEA tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Sắp khai trương văn phòng của IAEA tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ảnh 1Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại thị trấn Okuma, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 30/6, Chính phủ Nhật Bản cho biết Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi sẽ thăm Nhật Bản ngày 4/7 tới để trình bày các kết luận đánh giá an toàn của cơ quan này về kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Trong 4 ngày ở Nhật Bản, ông Grossi cũng sẽ khai trương một văn phòng của IAEA tại nhà máy điện hạt nhân này.

Theo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan vận hành nhà máy trên, các thành viên nhóm công tác của IAEA, từng thực hiện đánh giá an toàn về nhà máy trên, sẽ tham gia giám sát khi việc xả nước thải được bắt đầu.

[Hàn Quốc thông báo kết quả phân tích nước thải từ nhà máy Fukushima]

Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ xem xét bản đánh giá của IAEA trước khi đưa ra một quyết định cuối cùng liên quan đến thời điểm xả nước thải. Trước đó, chính phủ và TEPCO dự định bắt đầu từ mùa Hè này.

Ngày 30/6, ông Kishida đã chỉ thị các bộ liên quan tiếp tục các nỗ lực để nâng cao nhận thức ở cấp địa phương và quốc tế liên quan đến việc nước xả có thể đặt ra nguy cơ tới môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.

Các nước láng giềng Trung Quốc và Nga đã bày tỏ phản đối kế hoạch xả nước thải này do ngư dân lo ngại nguy cơ ảnh hưởng tới sản phẩm đánh bắt.

Tháng Năm vừa qua, một đoàn chuyên gia Hàn Quốc thuộc các cơ quan của chính phủ và các tổ chức liên quan đã tới nhà máy Fukushima số 1 để thanh sát về tác động tiềm ẩn của việc xả nước thải.

Tại họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết Thủ tướng Kishida đã khẳng định chính phủ sẵn sàng áp dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa thiệt hại lớn, cũng như cung cấp thông tin chính xác về việc xả nước thải.

Trong một cuộc họp báo khác, Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết việc xây dựng các cơ sở xả thải đã được hoàn tất vào ngày 26/6 và Cơ quan quản lý hạt nhân đang tiến hành kiểm tra an toàn cuối cùng.

Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực lắng nghe chân thành các ý kiến và đề nghị của mọi người liên quan đến ngư nghiệp, cũng như giải thích cho họ về kế hoạch xả nước thải, trong đó có nội dung báo cáo của IAEA.”

Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy, trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.

TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác, trừ chất Triti không thể phân tách.

Nước sau khi xử lý được trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và dự kiến sẽ chạm giới hạn vào mùa Thu năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục