Sau cái chết của al-Baghdadi, IS có chỉ đạo các cuộc tấn công trả đũa?

Cái chết của al-Baghdadi đã giáng một “đòn đau” đối với các hoạt động của IS, và đánh dấu một cách tượng trưng cho sự chấm dứt tầm nhìn của IS - việc hình thành Vương quốc Hồi giáo.
Sau cái chết của al-Baghdadi, IS có chỉ đạo các cuộc tấn công trả đũa? ảnh 1Hình ảnh trích từ video về cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Syria ngày 26/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin cuộc không kích phức tạp do Mỹ thực hiện hôm 27/10 đã tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi.

Cái chết của trùm khủng bố này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho chiến dịch đánh bại IS của Mỹ, đặc biệt là vào thời điểm Mỹ đang rút quân khỏi Syria.

Chúng ta có thể rút ra một số vấn đề từ cái chết của al-Baghdadi:

Cái chết của thủ lĩnh IS đáng giá bao nhiêu?

Đối với Mỹ, cái chết của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi có thể là một chiến thắng lớn hơn nhiều so với sự thất bại của IS.

Tiêu diệt thủ lĩnh IS rõ ràng mang lại một chiến thắng không dễ dàng đối với liên minh của Mỹ, vốn đã “săn” tên thủ lĩnh đầy mưu mô này trong nhiều năm.

[Video] IS thông báo lựa chọn Ibrahim al-Quraishi làm thủ lĩnh mới

Đã có hơn một chục tuyên bố về cái chết của hắn trong những năm trước và hành động mang tính quyết định lần này cuối cùng sẽ đặt dấu chấm hết cho “huyền thoại” về tên trùm khủng bố al-Baghdadi.

Tuy nhiên, sau 18 năm tham gia Cuộc chiến chống khủng bố, mọi thứ đã có nhiều thay đổi.

Al-Baghdadi chưa bao giờ chạm tới vị thế của trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden, mặc dù tổ chức khủng bố IS của hắn được cho là đã đạt được nhiều “thành tựu” hơn so với al-Qaeda bằng cách tuyên bố việc hình thành - và đạt được trong chốc lát - một Vương quốc Hồi giáo.

Al-Baghdadi rất ít khi xuất hiện công khai bởi hắn không có sức ảnh hưởng đặc biệt và trong những năm gần đây, người ta cũng hiếm khi nhìn thấy hoặc nghe thấy thông tin gì về hắn.

Hơn nữa, áp lực liên minh đối với IS cho phép nhóm đối thủ thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có được sức mạnh và trong thời gian gần đây còn đáng sợ hơn IS.

HTS, trước đây được biết đến với cái tên Jabhat al Nusra, là một nhánh của al-Qaeda tại Syria và được lãnh đạo bởi cựu phó thủ lĩnh al-Baghdadi, và đối thủ lâu năm Abu Mohammad al-Julani.

Đối với những người ủng hộ IS rải rác ở xa, vốn chỉ có thể kết nối với các phần tử thánh chiến thông qua mạng Internet, IS ngày càng khó tiếp cận khi chúng bị đẩy khỏi các ứng dụng truyền thông xã hội chính thống, "tiểu đoàn" truyền thông của chúng xuống cấp nghiêm trọng, và thông điệp của chúng bị suy yếu do những tổn thất trên chiến trường.

Vị thế của al-Baghdadi tự nhiên suy yếu trong thời gian này và sự phân tán lực lượng cho thấy việc kiểm soát hoạt động của hắn đối với một mạng lưới toàn cầu đang lan rộng không còn mạnh mẽ nữa.

Cái chết của al-Baghdadi đã giáng một “đòn đau” đối với các hoạt động của IS, và đánh dấu một cách tượng trưng cho sự chấm dứt tầm nhìn của IS - việc hình thành một Vương quốc Hồi giáo.

Mong muốn hồi sinh một vương quốc Hồi giáo đã mang lại sức mạnh cho al-Baghdadi, gây cảm hứng cho quần chúng trực tuyến và thu hút một số lượng lớn chưa từng có các tay súng nước ngoài.

Tuy nhiên, cái chết của al-Baghdadi, với tư cách là thủ lĩnh, cũng “nghiền nát” giấc mơ này và khiến những người ủng hộ ngày càng khó có thể dõi theo. IS, dù là mang tính hoạt động hay tượng trưng, đều đang hấp hối.

Hiện giờ, thế giới nên lo lắng xem những gì có thể nhen nhóm từ đống tro tàn này.

Việc Mỹ vội vã rút quân khỏi Syria trong những tuần gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về một khoảng trống an ninh ở Đông Syria, theo đó có thể giúp IS tái sinh.

Lệnh rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi al-Baghdadi phát một đoạn băng kêu gọi tấn công các nhà tù để giải cứu các chiến binh IS.

Ngay sau đó, các báo cáo về việc những kẻ khủng bố trốn thoát khỏi nhà tù đã xuất hiện.

Hơn nữa, các “chân rết” của IS đã tăng mạnh ở các khu vực khác, đặc biệt là ở Afghanistan, nơi Mỹ hy vọng có thể rút quân sau 2 thập kỷ chiến tranh, và thậm chỉ cả ở Philippines.

Cái chết của al-Baghdadi sẽ đập tan giấc mơ của một IS tập trung ở khắp khu vực Levant (bao gồm Liban, Israel, Jordan, Syria, Síp, và Nam Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng việc nhiều năm thực hiện các hoạt động tuyển mộ, huấn luyện và trừ khử các tay súng nước ngoài từ hàng chục quốc gia sẽ tạo ra một thế hệ thánh chiến tiếp theo tràn sang các biên giới khác.

Các tay súng nước ngoài do IS đào tạo sẽ chính là vấn đề khủng bố tương lai trong thập kỷ tới.

IS sẽ chỉ đạo hoặc thúc đẩy các cuộc tấn công trả đũa?

Trong các thời kỳ mà khủng bố al-Qaeda lộng hành, cộng đồng chống khủng bố vừa ăn mừng việc tiêu diệt thành công một trùm khủng bố khét tiếng, vừa lo lắng về mối đe dọa của sự trả thù.

Hoặc tổ chức khủng bố hoặc những người ủng hộ từ xa được thúc đẩy bởi Internet có thể bị dụ dỗ để tìm cách trả thù Mỹ và đồng minh bằng cách tấn công các mục tiêu mềm ở phương Tây.

Mỹ và phương Tây phải luôn tăng cường mức độ bảo vệ trước một cuộc tấn công khủng bố lớn, tuy nhiên, rủi ro có lẽ không thể cao như lúc này.

Gần đây, thế giới biết rằng con trai của Osama bin Laden và là thủ lĩnh mới nổi của al-Qaeda Hamza Bin Laden đã bị tiêu diệt nhiều tháng trước đó.

Những kẻ khủng bố thánh chiến thường xác nhận cái chết của các thủ lĩnh cao quý của chúng, và vẫn chưa có thông báo nào xuất hiện cho thấy việc kích động các cuộc tấn công trả thù.

Sau cái chết của al-Baghdadi, IS có chỉ đạo các cuộc tấn công trả đũa? ảnh 2Các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Salahuddin, miền Bắc Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không có nhà nghiên cứu khủng bố và chống khủng nào biết rõ về cái chết của Hamza bin Laden, cho thấy các mạng lưới quốc tế này yếu ớt như thế nào so với chỉ vài năm trước.

Với việc al-Baghdadi bị tiêu diệt, phương Tây sẽ ăn mừng, nhưng vẫn không chắc chắn có bao nhiêu người ủng hộ trực tuyến sẽ than khóc hoặc trỗi dậy để trả thù.

Tình hình khủng bố năm 2019 không giống chiến dịch khủng bố năm 2009. Chúng ta nên chuẩn bị, nhưng không nên hoảng loạn.

Tại sao Mỹ có thể tiêu diệt al-Baghdadi? Nhiệm vụ đó nguy hiểm như thế nào?

Thời điểm diễn ra cuộc đột kích - ngay sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria - đã làm dấy lên một số câu hỏi thú vị. Chẳng hạn như, liệu việc Mỹ rút quân khỏi Syria có thúc đẩy al-Baghdadi hành động, khiến hắn bị phát hiện và tiêu diệt? Hay tại sao al-Baghdadi lại ở phía Bắc Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ?

Đây là một khu vực nằm dưới sự thống trị của HTS, và chiến trường phức tạp này có thể đã khiến ông bị bỡ ngỡ.

Bin Laden từng bị tiêu diệt tại Abottabad - đây cũng không phải là nơi mà các nhà phân tích có thể tưởng tượng hắn ở đó, có lẽ al-Baghdadi đã lặp lại lịch sử đó và bị tiêu diệt ở một địa điểm không ngờ tới.

Một câu hỏi nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là có phải Mỹ đã phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria trong cuộc đột kích này?

Các báo cáo ban đầu cho thấy cuộc đột kích này “đã được sắp xếp trong một tuần trước khi diễn ra vào hôm 27/10.”

Nếu cuộc tấn công này không diễn ra như mong đợi, hoặc không được phối hợp với các quốc gia khác, lực lượng Mỹ sẽ rơi vào vị trí nguy hiểm giữa các phe phái cạnh tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục