Sẽ nghiên cứu, bố trí kinh phí đầu tư Cao tốc Bờ Y-Pleiku trước năm 2030

Ngoài việc bổ sung tuyến Cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum vào trong quy hoạch đường bộ, phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu, sớm đầu tư Cao tốc Bờ Y-Ngọc Hồi-Kon Tum-Pleiku.

Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan này cam kết sẽ nghiên cứu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tiếp theo trình cấp có thẩm quyền xem xét kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tuyến Cao tốc Bờ Y-Ngọc Hồi-Kon Tum-Pleiku kết nối tuyến Cao tốc Pleiku-Quy Nhơn.

Cụ thể, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến Cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum)-Pleiku (Gia Lai) dài 90km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trong điều kiện nguồn lực được phân bổ hạn hẹp, Bộ Giao thông Vận tải tập trung cho các Dự án quan trọng Quốc gia, Dự án hạ tầng chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí vốn để triển khai dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Mặt khác, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải được giao tổng số là hơn 304.100 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh hình giảm phân bổ lại cho địa phương thực hiện các tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và ba Dự án quan trọng Quốc gia (gồm Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng), thực tế còn lại hơn 287.000 tỷ đồng và danh mục các dự án dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021.

Thực hiện Nghị quyết số 63/2022 của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đang cố gắng cân đối nguồn vốn trung hạn đã bố trí cho bộ từ các dự án dự kiến sẽ thi công hoàn thành trong kỳ để bố trí đủ khoảng 4.450 tỷ đồng thực hiện nối thông đường Hồ Chí Minh các đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo trình cấp có thẩm quyền xem xét," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đề xuất đầu tư dự án theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 13.200 tỷ đồng. Nếu được đầu tư, đường cao tốc này sẽ có vận tốc thiết kế 100km/h; bề rộng mặt đường 22,5m; với 6 làn xe.

Liên quan đến kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi về sớm bổ sung tuyến Cao tốc kết nối tỉnh Quảng Ngãi-Kon Tum, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát bổ sung tuyến đường này vào quy hoạch trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình cấp thẩm quyền xem xét trong quý 1/2024.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với bộ quá trình rà soát, điều chỉnh theo quy định và sẽ hỗ trợ tối đa các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.

vnp_thi cong du an cao toc 01022023.jpg
Nhà thầu triển khai thi công một Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đồng ý với đề xuất về việc địa phương đề xuất là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) thể hiện trách nhiệm của địa phương trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Quốc gia.

Tuyến đường Cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum dự kiến được đầu tư có chiều dài 136km, với 4 làn xe, nền đường rộng 22-25m, vận tốc thiết kế 80-100km/h. Điểm đầu công trình nối với Cao tốc Bắc-Nam phía Đông qua thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Sau đó, đường qua đèo Măng Đen, song song Dự án Cảng Hàng không Măng Đen (đang nghiên cứu đầu tư), tiếp tục đến thành phố Kon Tum, giao Quốc lộ 14E, kết thúc ở Cao tốc Bắc-Nam phía Tây.

Việc đầu tư cao tốc này được phía tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên, khắc phục điểm yếu về hạ tầng và liên kết vùng. Tuyến đường cũng giúp hiện thực hóa hành lang kinh tế giữa các địa phương./.

Hiện nay, cả nước đã đầu tư đưa vào khai thác hơn 1.800km đường cao tốc. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có 5.000km cao tốc, trong đó đến 2025 cần xây được 3.000km. Theo kế hoạch này, trong 9 năm từ 2021-2030, số km cao tốc phải đầu tư xây dựng sẽ gấp gần 4 lần so với hơn 20 năm qua.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục