Singapore tìm giải pháp cho cuộc "khủng hoảng cơm gà"

Indonesia chưa bao giờ bán gà cho Singapore và cho đến nay chỉ xuất khẩu trứng muối cho nước này, với tổng giá trị khoảng 50.000 quả mỗi tháng.
Singapore tìm giải pháp cho cuộc "khủng hoảng cơm gà" ảnh 1Thịt gà được bán tại Bentong, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong bối cảnh Singapore đang phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung thịt gà từ Malaysia do lệnh cấm xuất khẩu của nước này, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) ngày 15/6 cho biết cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Indonesia để tìm nguồn cung cấp thịt gà từ "quốc gia Vạn đảo."

Cụ thể, SFA đang tiến hành đánh giá tài liệu và kiểm tra tại chỗ một số trang trại, lò giết mổ, cơ sở chế biến và các vấn đề liên quan khác để đảm bảo rằng các cơ sở và trang trại ở Indonesia có thể đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu và quy định an toàn thực phẩm của Singapore trước khi có thể bắt đầu xuất khẩu sang “đảo quốc Sư tử.”

Tổng giám đốc chăn nuôi và y tế thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia, tiến sỹ Nasrullah, cho biết việc Indonesia sẽ xuất khẩu gà sống hay gà đông lạnh sang Singapore, khối lượng và thời điểm xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc khảo sát.

Chủ tịch Hiệp hội Người chăn nuôi gia cầm Indonesia Achmad Dawami lưu ý rằng "phương án khả thi nhất" đối với các công ty gia cầm Indonesia là cung cấp gà đông lạnh cho Singapore, loại gà này ít rủi ro hơn nhiều so với việc xuất khẩu gà sống do chi phí hậu cần đắt đỏ.

[“Cuộc khủng hoảng cơm gà” tại Singapore do lệnh cấm của Malaysia]

Theo ông, rủi ro cao nhất là gà chết trong quá trình vận chuyển và trọng lượng giảm dần khi chúng được đưa lên tàu trong vài giờ tới Singapore.

Indonesia chưa bao giờ bán gà cho Singapore và cho đến nay chỉ xuất khẩu trứng muối cho nước này, với tổng giá trị khoảng 50.000 quả mỗi tháng.

Ở Singapore, thịt gà là loại thịt được tiêu thụ rộng rãi nhất, với mức tiêu thụ bình quân đầu người là 36kg vào năm 2020.

Năm 2021, Singapore đã nhập khẩu từ Malaysia khoảng 34%, tương đương gần 73.000 tấn, trong tổng số gà nhập khẩu của nước này, phần lớn thịt gà được nhập khẩu sống hoặc đã được giết mổ.

Singapore cũng nhập khẩu thịt gà từ các nước như Brazil và Mỹ, nhưng phần lớn là thịt đông lạnh.

Malaysia đã cấm xuất khẩu thịt gà từ ngày 1/6 để ổn định sản xuất và giá cả trong nước. Tuy nhiên, nước này đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm, cho phép các nhà sản xuất gia cầm bán gà kampung sống sang Singapore từ ngày 14/6, và bán gà đen từ ngày 18/6.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp gà con cho một số nước láng giềng như Việt Nam và Myanmar, đồng thời xuất khẩu thịt gà đông lạnh và các sản phẩm gà chế biến sang một số quốc gia khác bao gồm Nhật Bản và Timor-Leste.

Theo Bộ Thương mại Indonesia, trong vài năm qua, nước này đã phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung thịt gà, với sản lượng cao hơn khoảng 15% so với nhu cầu trong nước trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch, với mức dư thừa đạt 48% vào năm 2020 và 36% vào năm 2021.

Trong năm 2022, ước tính Indonesia sẽ cần 2,9 tỷ con gà, tuy nhiên sản lượng dự kiến là 3,8 tỷ con, sẽ dư thừa khoảng 900 triệu con./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục