Số ca mắc sốt rét tăng nhanh, Bộ Y tế yêu cầu cấp thiết phòng chống

Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay cho thấy tại tỉnh Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét, tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 81 ca.
Số ca mắc sốt rét tăng nhanh, Bộ Y tế yêu cầu cấp thiết phòng chống ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: news-medical.net)

Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt rét tại tỉnh Lai Châu và Khánh Hòa, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế hai tỉnh này về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt rét.

Theo Cục Y tế Dự phòng, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay cho thấy tại tỉnh Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung tại huyện Mường Tè; tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022 (không ghi nhận mắc), tập trung tại huyện Khánh Vĩnh.

[Sốt rét gây tử vong cho gần nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm]

Kết quả kiểm tra, đánh giá diễn biến tình hình mắc sốt rét tại thực địa thấy nguyên nhân chính là địa bàn thuộc vùng sốt rét lưu hành nhiều, điều kiện địa lý miền núi và kinh tế khó khăn, chủ yếu là người dân tộc với dân trí thấp; số người dân đi nương rẫy, khai thác nông lâm sản cao, nhưng việc chủ động phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, quản lý các đối tượng mắc và nguy cơ sốt rét vẫn chưa được thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều người dân chủ quan, không tuân thủ điều trị, công tác truyền thông phòng chống sốt rét còn hạn chế; Việc phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành trong phòng chống sốt rét còn hạn chế.

Để tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa; Cục Y tế Dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Lai Châu và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo triển khai tổng hợp, phân tích sâu tình hình mắc sốt rét, xác định rõ nguyên nhân làm gia tăng mắc sốt rét và đánh giá nguy mắc sốt rét trên địa bàn.

Các đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra và đánh giá việc triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị các trường hợp mắc sốt rét tại các địa phương.

Các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát, chẩn đoán phát hiện, điều trị đúng phác đồ để hạn chế nguy cơ sốt rét nặng và tử vong, khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm và điều trị cho cán bộ y tế của địa phương.

Các tỉnh cần tổ chức truyền thông các biện pháp phòng chống sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng sốt rét, thực hiện ngủ màn cả ở nhà và khi ngủ trong rừng, nương rẫy và khi bị mắc sốt rét thì sử dụng thuốc điều trị đầy đủ theo hướng dẫn.

Các đơn vị chức năng cần cấp màn, võng có tẩm hóa chất diệt muỗi, kem xua muỗi; Thực hiện tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân và phun hóa chất diệt muỗi tồn lưu tại các hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao.

Các tỉnh trên cũng cần củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của hệ thống phòng chống sốt rét, nhất là y tế xã, thôn, bản; Đảm bảo bố trí nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động phòng chống sốt rét; Hướng dẫn và chi trả kinh phí mua hóa chất, kinh phí về giám sát, trả công người đi phun hóa chất và tẩm màn, bồi dưỡng người tham gia chống dịch và các hoạt động phòng chống sốt rét khác.

Cục Y tế Dự phòng đề nghị các tỉnh có ca bệnh theo dõi sát diễn biến tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp phòng chống để có các biện chỉ đạo các địa phương kịp thời…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục