Số người xin tị nạn tại các nước công nghiệp phát triển tăng nhanh trong năm 2014, chủ yếu do các cuộc xung đột tại Syria và Iraq. Đó là tuyên bố của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 26/3.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, năm ngoái, có 866.000 người phải đi lánh nạn tại các nước phát triển, đặc biệt là tới Đức. Con số này cao hơn 45% so với năm 2013. Đây là năm có số người phải đi lánh nạn cao thứ hai trong lịch sử, sau năm 1992, thời điểm nổ ra cuộc xung đột tại Bosnia và Herzegovina khiến gần 900.000 người phải tị nạn.
Nữ phát ngôn UNHCR Melissa Fleming cho biết số người tị nạn tăng cao là do cuộc xung đột tại Syria và Iraq đã gây ra thảm họa nhân đạo cho người dân vô tội tại các quốc gia này.
Cuộc nội chiến kéo dài sang năm thứ 5 tại Syria đã khiến hơn 215.000 người thiệt mạng và buộc 11,4 triệu người dời bỏ nhà cửa, trong đó có gần 4 triệu người phải ra nước ngoài lánh nạn. Năm ngoái, có 150.000 người Syria xin tị nạn tại các nước công nghiệp phát triển, tăng 166% so với năm 2013 và chiếm 1/5 tổng số người xin tị nạn trên thế giới.
Xung đột tại Iraq cùng với sự tàn bạo của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng khiến gần 70.000 người phải tị nạn tại những nước giàu có trong năm ngoái, cao gấp hai lần so với năm 2013. Trong khi đó, Afghanistan đứng thứ 3 về số người phải đi lánh nạn ở nước ngoài.
Năm ngoái, Đức, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Italy là 5 nước tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất, tới 60% tổng số trường hợp xin tị nạn. Riêng số người xin tị nạn tại Đức là 173.000 người, 1/4 trong đó là người Syria. Khoảng 121.200 người xin tị nạn tại Mỹ, chủ yếu là người Mexico. Thổ Nhĩ Kỳ tính đến cuối năm 2014 đã tiếp nhận 1,5 triệu người tị nạn Syria, trong đó chỉ trong năm 2014, số xin tị nạn là 87.800 người. Thụy Điển đứng thứ 4 trong số các nước tiếp nhận người tị nạn với hơn 75.000 người, chủ yếu là từ Syria và Eritrea. Tuy nhiên, nếu so với quy mô dân số thì Thụy Điển đứng đầu danh sách tiếp nhận người tị nạn./.