Số người xin tị nạn mới tại Đức đã giảm mạnh trong năm 2017

Bộ Nội vụ Đức ngày 16/1 cho biết số người tị nạn mới tại nước này trong năm 2017 đã giảm mạnh, xuống còn 186.000 người.
Số người xin tị nạn mới tại Đức đã giảm mạnh trong năm 2017 ảnh 1Người tị nạn tại Đức. (Nguồn: AP)

Bộ Nội vụ Đức ngày 16/1 cho biết số người tị nạn mới tại nước này trong năm 2017 đã giảm mạnh, xuống còn 186.000 người.

Đây được cho là một tín hiệu đáng mừng giúp giảm nhẹ áp lực lên Thủ tướng Angela Merkel trong bối cảnh liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Xã hội/Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà cùng với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang thảo luận về chính sách nhập cư, trong đó có việc áp dụng mức trần đối với người di cư.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết số người nhập cư mới xin tị nạn tại Đức đã "giảm đáng kể" xuống còn 186.644 người trong năm 2017, sau khi giảm xuống 280.000 người trong năm trước đó.

[Số lượng người nộp đơn xin tị nạn tại Đức giảm năm thứ hai liên tiếp]

Theo Bộ Nội vụ Đức, số người tị nạn tới từ Syria là nhóm người xin tị nạn lớn nhất tại Đức với hơn 47.000 người, tiếp theo là Iraq với 21.000 người và Afghanistan là hơn 12.000 người.

Đây cũng sẽ là tin vui đối với Thủ tướng Angela Merkel bởi số người xin tị nạn mới tại Đức trong năm 2017 thấp hơn so với mức tiếp nhận 200.000 người nhập cư mỗi năm theo thỏa thuận mà bà đạt được với các đồng minh trong Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) hồi đầu tháng 10/2016.

Hiện vấn đề người di cư vẫn là một trong những vấn đề "nhạy cảm" gây trở ngại trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Trước đó trong năm 2015, số lượng người nhập cư xin tị nạn tại Đức đã tăng lên mức kỷ lục 890.000 người sau khi Thủ tướng Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới tiếp nhận dòng người tị nạn từ các nước có chiến tranh, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu.

Chính quyết định này cũng khiến uy tín của Thủ tướng Merkel giảm và gây ra những rạn nứt trong đảng bảo thủ của bà.

Tuy nhiên kể từ năm 2015 đến nay, lượng người di cư tới Đức đã giảm mạnh sau khi một vài nước trung chuyển ở khu vực Balkan đóng cửa biên giới và Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn dòng người di cư vượt qua các hòn đảo ở Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục