Sự bùng nổ của thị trường bán dẫn vực dậy ngành công nghệ châu Á

Theo ngân hàng đầu tư JPMorgan, lĩnh vực công nghệ tại châu Á đang phục hồi khá tốt trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào sự bùng nổ của lĩnh vực chất bán dẫn.

Công nhân làm việc tại nhà máy Naka của Hãng sản xuất chip Renesas Electronics ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy Naka của Hãng sản xuất chip Renesas Electronics ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ngân hàng đầu tư JPMorgan, lĩnh vực công nghệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển nhờ vào sự bùng nổ của lĩnh vực chất bán dẫn, giữa bối cảnh các ngành khác đang gặp khó khăn vì bất ổn vĩ mô toàn cầu.

“Công nghệ đang phục hồi, đó là lý do tại sao (lĩnh vực công nghệ) châu Á hoạt động khá tốt trong nửa cuối năm ngoái. Ngành công nghiệp của Trung Quốc được hưởng lợi, khu vực Bắc Á rõ ràng được hưởng lợi nhiều hơn từ đó,” nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan cho biết trong một cuộc họp báo hôm 5/3.

Công nghệ, lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi các công ty tăng tốc số hóa, đã trải qua giai đoạn suy thoái vào năm 2022 và 2023 do lạm phát và lãi suất cao làm giảm chi tiêu tiêu dùng, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên.

Trong báo cáo triển vọng ngành công nghệ năm 2024, Công ty dịch vụ tài chính Deloitte cho hay chi tiêu cho công nghệ toàn cầu đã suy yếu vào năm 2023, trong khi tình trạng sa thải nhân viên lại tăng.

Deloitte cho biết: “Tuy nhiên, hiện đang có những tia hy vọng về sự trở lại của lĩnh vực công nghệ. Các nhà kinh tế đã hạ đánh giá về rủi ro suy thoái và các nhà phân tích lạc quan rằng lĩnh vực công nghệ có thể sớm ghi nhận tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2024.”

Sự phục hồi trong lĩnh vực công nghệ là rất quan trọng trong bối cảnh các ngành công nghiệp khác vẫn đang gặp khó khăn.

Chuyên gia Ong Sin Beng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế EM châu Á tại JPMorgan, cho biết hôm 5/3: “Mặc dù đã nhận thấy sự phục hồi trong lĩnh vực công nghệ, nhưng chúng tôi chưa nhìn thấy sự phục hồi rộng hơn ở các lĩnh vực phi công nghệ.”

Sự bùng nổ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục thúc đẩy các nhà sản xuất chip và đang thúc đẩy tăng trưởng công nghệ.

Công ty thiết kế chip Nvidia của Mỹ đã chứng kiến doanh thu trong quý 4 tăng vọt 265% nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các chip xử lý đồ họa, vốn chủ yếu được sử dụng cho ứng dụng ChatGPT của OpenAI.

Tuy nhiên, JPMorgan cũng cho rằng sự phục hồi là không đồng đều trong toàn lĩnh vực công nghệ, đồng thời coi ngành bán dẫn là điểm sáng trong bối cảnh bùng nổ của AI.

Chuyên gia Ong cho rằng sự phục hồi chủ yếu đến từ lĩnh vực bộ nhớ, bán dẫn. Ví dụ, hoạt động sản xuất những sản phẩm này tại Hàn Quốc đang được vận hành khá tốt.

Ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng chứng kiến điều tương tự. Đó là hai quốc gia được hưởng lợi chính ở Bắc Á.

Nhà sản xuất TSMC của Đài Loan là nhà sản xuất chip theo hợp đồng chính của Nvidia và đã được hưởng lợi từ hiệu suất cũng như tiềm năng của Nvidia.

Các nhà sản xuất chip DRAM của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ AI khi các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT yêu cầu chip bộ nhớ hiệu suất cao để tạo ra phản hồi giống con người.

Chuyên gia Ong cho biết Singapore “chắc chắn đã nhận thấy xu hướng gia tăng này” từ sự bùng nổ của thị trường bán dẫn.

Quốc gia Đông Nam Á sản xuất 20% thiết bị chip toàn cầu, theo dữ liệu được chia sẻ tại Hiệp hội Công nghiệp Kết nối Doanh nghiệp Bán dẫn Singapore 2022.

Tháng trước, Phó thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết trong bài phát biểu về ngân sách rằng nước này sẽ đầu tư hơn 1 tỷ đôla Singapore (tương đương 743 triệu USD) trong 5 năm tới để tăng cường hơn nữa khả năng ứng dụng AI của đất nước.

Là một phần của khoản đầu tư, Singapore sẽ nỗ lực để đảm bảo quyền tiếp cận đối với các loại chip tiên tiến được cho là “rất quan trọng đối với việc phát triển và triển khai AI,” Phó Thủ tướng Wong nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục