Vết nứt dầm thép cầu Vàm Cống được phát hiện từ tháng 11/2017, tuy nhiên đến nay công tác khắc phục sự cố này vẫn rất chậm chạp.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết loại thép để sửa chữa sự cố nứt cầu Vàm Cống là loại thép đặc chủng phải đặt các nhà máy sản xuất. Hiện nay, thép này mới nhập được nguyên liệu về và phấn đấu cuối năm nay sẽ khắc phục xong.
“Việc khắc phục sự cố này phải hết sức thận trọng, đảm bảo chất lượng cao nhất, vì công trình đã bị xử cố một lần rồi không thể cho phép xảy ra sự cố nữa,” Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
[Bộ Giao thông Vận tải xác định nguyên nhân gây nứt cầu Vàm Cống]
Về tiến độ của dự án cầu Vàm Cống, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải vừa kiểm tra tiến độ tổng thể của dự án này. Nhìn chung, tiến độ dự án đang được thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải và phấn đấu hoàn thành thông xe dự án vào cuối năm 2019.
Dự án cầu Vàm Cống được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được khởi công vào tháng 9/2013. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.
Cầu Vàm Cống là công trình trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng đi lại, giao thương. Đây là cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu nối liền tỉnh Đồng Tháp với thành phố Cần Thơ.
Cầu được xây dựng sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng chiều dài gần 3km, chiều cao thông thuyền 37,5m. Cầu được thiết kế dây văng hình quạt, gồm 114 dây bố trí trên hai mặt phẳng xiên. Cầu dẫn phía Đồng Tháp gồm 28 nhịp, phía Cần Thơ có 25 nhịp.
Trước đó, chiều 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm thép CB6 trên đỉnh trụ P29 bị nứt./.