Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm

Mức tăng GDP quý 1 của cả nước thấp hơn cùng kỳ, dự báo khó khăn cho mục tiêu cả năm và tàu Hải Thành bị chìm làm 9 người mất tích là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Mức tăng GDP quý 1 của cả nước thấp hơn cùng kỳ, dự báo khó khăn cho mục tiêu cả năm và tàu Hải Thành bị chìm làm 9 người mất tích là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Mức tăng GDP thấp hơn cùng kỳ, dự báo khó khăn cho mục tiêu cả năm
Theo Báo cáo Kinh tế-Xã hội của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, khu vực dịch vụ tăng 6,52%,

Đáng chú ý, mức tăng trưởng quý 1 năm nay đã thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2015, 2016 (tương ứng 6,12% và 5,48%).

Nếu theo tính toán từ Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng của quý 1 để đạt được mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đã thông qua, chín tháng còn lại tăng trưởng kinh tế cả nước phải đạt 7%, đây sẽ là một thách thức không dễ dàng.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%, khu vực dịch vụ chiếm 43,99%, còn lại là thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 10,76%, trong khi cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là 11,42%, 34,37%, 43,54%, 10,67%.

Bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại, Tổng cục Thống kê cho biết, dưới góc độ sử dụng GDP quý 1, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ (đóng góp 7,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 6,65 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, tích lũy tài sản cũng tăng 8,5%.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu, đã làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Mức tăng GDP thấp hơn cùng kỳ, dự báo khó khăn cho mục tiêu cả năm

Phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tập trận ở Trường Sa
Ngày 30/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự.”

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 2Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: scmp.com)

Xem thêm: Phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tập trận ở Trường Sa

Ngành hàng không Việt sẽ đóng góp 23 tỷ USD vào GDP năm 2035
Ông Robert Cullemore, quản lý cao cấp Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), lĩnh vực vận chuyển hàng không tại Đông Dương phát triển rất nhanh và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được lượng khách ngày càng lớn, trong đó có Việt Nam.

Tại hội thảo "Các sân bay Đông Dương năm 2017" (Airport Indochina) do Escom tổ chức vào sáng nay (30/3), theo thống kê của IATA, năm 2014, hàng không Việt Nam đã vận chuyển 51 triệu hành khách, giải quyết được 2 triệu việc làm, đóng góp tới 9 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dự báo của IATA tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ “cõng” tới 136 triệu hành khách và tạo thêm 5,3 triệu việc làm, đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.

Ông Robert Cullemore cho rằng, mục tiêu chung của các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường hàng không Việt Nam và có nhu cầu rót vốn đầu tư nhưng cũng rất quan tâm đến kế hoạch tổng thể dài hạn xây dựng năng lực vận chuyển, tuân thủ các quy định của quốc tế, hợp tác đối tác và tư vấn, chính sách và quy định áp dụng giải pháp công nghệ mới tiện ích cho người sử dụng...

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 3Hành khách chờ làm thủ tục lên chuyến bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xem thêm: Ngành hàng không Việt sẽ đóng góp 23 tỷ USD vào GDP năm 2035

CPI bình quân quý 1 tăng mạnh 4,96% so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba cả nước tăng 0,21% so với tháng Hai và tăng 4,65% so cùng kỳ đồng thời tăng 0,9% so với tháng 12 năm 2016. Như vậy,  CPI bình quân quý 1 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4,96%.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngày 29/3) cho thấy, trong 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá. Nhóm có mức tăng mạnh nhất là thuốc và dịch vụ y tế (+7,51%), nhóm có mức tăng thấp nhất là bưu chính viễn thông (+ 0,03%). Ngoài ra, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,87%), may mặc, mũ nón, giầy dép (-0,12%), đồ uống và thuốc lá (-0,02%)

Để kiểm soát CPI bình quân dưới 4%, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, (như gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón…) để cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Bà Ngọc cho rằng: “Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tách ra các đợt và điều chỉnh trùng hoặc sau các tháng của năm 2016 đã điều chỉnh để số liệu so cùng kỳ không tăng cao. Cơ quan chức năng nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để hạn chế lạm phát kỳ vọng”./.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: CPI bình quân quý I tăng mạnh 4,96% so với cùng kỳ năm trước

Đảm bảo hai luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương đều rất giỏi
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 30/3, tại Hà Nội, ​​Người ​phát ​ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị thông tin thêm về việc luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương tại Malaysia.

Người phát ngôn cho biết: “Hiện nay các công tác triển khai luật sư để bảo hộ về pháp lý cho Đoàn Thị Hương đang được diễn ra. Chúng ta đảm bảo rằng, hai vị luật sư người Malaysia sẽ tham gia bảo vệ pháp lý cho Đoàn Thị Hương lần này là luật sư rất giỏi.”

Trước đó, sáng 29/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Luật sư đã thăm lãnh sự công dân Đoàn Thị Hương tại nhà tù Kajang và giới thiệu luật sư Hisyam Teh Toh Teik, một trong hai luật sư sẽ đại diện pháp lý cho Đoàn Thị Hương trong quá trình tố tụng tại Malaysia.​

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của gia đình và cá nhân Đoàn Thị Hương, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư Hisyam Teh Toh Teik và luật sư Naran Singh được thu xếp làm luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương.

Luật sư Hisyam Teh Poh Teik được Hội đồng luật sư Malaysia đánh giá là một trong những luật sư hàng đầu về luật hình sự của nước này, trong khi đó, ông Naran Singh cũng là luật sư có kinh nghiệm lâu năm về các vụ án hình sự.

Các luật sư cho biết rất coi trọng vụ án đặc biệt này và sẽ làm việc tích cực để đảm bảo hỗ trợ pháp lý tốt nhất cho Đoàn Thị Hương. ​Trong buổi tiếp xúc lãnh sự, công dân Đoàn Thị Hương cho biết sức khỏe ổn định, điều kiện sinh hoạt tốt và khẳng định sẽ tích cực hợp tác với các luật sư.​

Công dân Đoàn Thị Hương bị Malaysia bắt giữ do tình nghi dính líu đến vụ một công dân Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol bị sát hại ở sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2 vừa qua.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 5Nghi phạm Đoàn Thị Hương (áo vàng) che mặt khi bị cảnh sát áp giải tới phiên tòa. (Ảnh: AFP)

Xem thêm: Đảm bảo hai luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương đều rất giỏi

Bộ Ngoại giao lên tiếng về vụ bé gái người Việt bị sát hại tại Nhật
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 30/3, tại Hà Nội, người phát ngôn Lê Hải Bình đã thông tin về vụ việc bé gái 9 tuổi người Việt Nam bị sát hại ở Nhật Bản.

Người Phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi sát hại vô nhân tính nhằm vào bé gái Việt Nam tại Nhật Bản. Chúng tôi xin gửi đến gia đình cháu bé lời chia buồn sâu sắc nhất và mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau thương mất mát to lớn này. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản làm việc cụ thể, sát sao với các cơ quan chức năng của Nhật Bản đề nghị làm rõ vụ việc. Chúng tôi tin tưởng rằng phía Nhật Bản sẽ sớm tìm ra thủ phạm và xử lý nghiêm minh. Hiện nay Đại sứ quán đang phối hợp với các cơ quan chức năng Nhật Bản để sớm đưa vụ việc ra ánh sáng”.

Trước đó, sáng 24/3, bé Nhật Linh đột ngột mất tích sau khi vừa rời khỏi nhà ở Matsudo đến trường như thường lệ. Đến 6 giờ 45 phút sáng 26/3, thi thể của em được phát hiện tại một kênh thoát nước thành phố Abiko, cách nhà chừng 10km.

Cái chết của bé Nhật Linh khiến dư luận nước Nhật bàng hoàng và cộng đồng người Việt ở Nhật Bản đau xót, phẫn nộ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ngoài vết thương ở đầu và vết thít ở cổ, trên thi thể của bé Linh còn có một vết tì ở cổ tay và nhiều vết trầy xước.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 6Cảnh sát Nhật Bản điều tra tại khu vực hiện trường phát hiện thi thể bé gái người Việt. (Nguồn: Nihon News)

Xem thêm: Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản thắt lòng tiễn biệt bé Nhật Linh

Hậu cổ phần hóa, vẫn lo doanh nghiệp “bình mới, rượu cũ”
Trong 3 tháng đầu năm, vẫn chưa có doanh nghiệp Nhà nước nào thực hiện cổ phần hóa. Trong khi ấy, nhiều doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa thực tế lại chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh.

Đó là những đánh giá vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính thẳng thắn thừa nhận về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua.

Theo con số vừa được lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, đã có 7 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Điều này cũng đồng nghĩa, từ đầu năm tới nay, cả nước chưa thực hiện cổ phần hóa được doanh nghiệp Nhà nước nào.

Với 7 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị thực tế của các đơn vị này là 1.855 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 379 tỷ đồng.

Nhận xét về tiến độ trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, quá trình cổ phần hóa, tài cơ cấu thời gian có tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện.

”Tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số Bộ, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra,” báo cáo của ngành tài chính nêu lên.

Đại diện Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân thực hiện không nghiêm túc việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Xác định trách nhiệm cá nhân với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Tàu Hải Thành 26 bị chìm trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, 9 người mất tích
Ngày 28/3, trên vùng biển Vũng Tàu (cách Vũng Tàu khoảng 44 hải lý về phía Đông) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông hàng hải đặc biệt nghiêm trọng làm chìm tàu Hải Thành 26-BLC, làm 9 người bị mất tích.

Nguyên nhân được xác định do Tàu Hải Thành 26-BLC va chạm với một tàu khác.

Ngay sau khi nhận được tin vụ tai nạn xảy ra, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam xác định vị trí các tàu chìm và đến ứng cứu.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tìm kiếm cứu nạn tàu vận tải Hải Thành 26 và gửi lời thăm hỏi, động viên đối với các thuyền viên bị nạn, thân nhân của các thuyền viên đang còn mất tích và yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp tìm kiếm số thuyền viên mất tích; phối hợp với Bộ Công an làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn nêu trên báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 1/4, lực lượng chức năng đã tìm thấy tất cả 9 thi thể nạn nhân mất tích và đưa vào bờ, bàn giao cho các thân nhân.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 8Đưa thi thể một nạn nhân vụ chìm tàu vào bờ. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Xem thêm: Bàn giao thi thể 7 thuyền viên tàu Hải Thành cho các thân nhân

Từ ngày 1/4 bắt đầu nhận hồ sơ thi trung học phổ thông quốc gia 2017
Theo Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì bắt đầu từ sáng 1/4, các thí sinh trong cả nước bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.

Theo quy định, thời gian đăng ký dự thi năm nay diễn ra từ ngày 1-20/4. Sau ngày 20/4, thí sinh không được thay đổi các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.

Sau khi nộp hồ sơ, thí sinh sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập phần mềm quản lý thi qua Internet tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn.

Tài khoản này được dùng để đăng nhập phần mềm quản lý thi từ lúc đăng ký dự thi đến khi xem kết quả, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 9Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Từ ngày 1/4 bắt đầu nhận hồ sơ thi trung học phổ thông quốc gia 2017

Hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm
Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 28/3 cho biết hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong ba tháng đầu của năm 2017, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng tháng 3/2017, Việt Nam đón hơn 1 triệu lượt khách, có giảm 16,1% so với tháng 2/2017 và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Đây là kết quả tốt, ghi nhận nỗ lực của toàn ngành du lịch Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017, tạo tiền đề thực hiện mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng.

Sự kiện trong nước 27/3-2/4: GDP quý 1 tăng thấp, khó cho mục tiêu năm ảnh 10Khách du lịch quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Xem thêm: Hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục