Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích

Mưa lũ ở làm 96 người chết,mất tích và Chính phủ đề nghị áp dụng sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020 là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Mưa lũ ở các tỉnh phía bắc làm 96 người chết và mất tích và Chính phủ đề nghị áp dụng sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020 là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Mưa lũ ở các tỉnh phía bắc làm 96 người chết và mất tích
Chiều 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã thông tin tới báo chí về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10.

Về tình hình thiệt hại do áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, tính đến 17 giờ ngày 13/10 đã có 58 người chết, 38 người mất tích, 31 người bị thương, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp.

Trong số những người thiệt mạng do mưa lũ có một phóng viên của TTXVN bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp.

Lũ lớn đã gây ra 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Nhiều xã của các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị cô lập do mưa lũ làm sạt lở đất và ngập lụt.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 1Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi tại Yên Bái. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Xem thêm: Mưa lũ ở các tỉnh phía bắc làm 96 người chết và mất tích

Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII
Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, sáng 11/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Hội nghị đã thông qua: Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới; Kết luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 2 Ủy viên Ban Bí thư khoá XII gồm đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; cho ý kiến về nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Thanh tra Chính phủ.

Sau khi thảo luận và cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 2Toàn cảnh bế mạc hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm: Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII

Lấy ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững là mục tiêu chính

Tiếp tục Phiên họp thứ 15, chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế​-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Theo Báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh. Với những kết quả tích cực đó, tăng trưởng GDP cả năm 2017 ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế​-xã hội năm 2018 mà Chính phủ trình tại phiên họp. Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm quan điểm xuyên suốt của năm 2018 là "lấy ổn định kinh tế vĩ mô là chính, lấy phát triển bền vững là chính" chứ không chạy theo tăng trưởng nóng.

Ngoài đặt ra các chỉ tiêu, mục tiêu chung, Chính phủ cần nêu rõ mục tiêu chính, ưu tiên trong năm 2018 để tập trung chỉ đạo, giải quyết.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 3Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xem thêm: Lấy ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững là mục tiêu chính

Bộ Chính trị ban hành quy định về công tác luân chuyển cán bộ
Ngày 7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu; quan điểm, nguyên tắc; phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển; tiêu chuẩn, điều kiện; thẩm quyền, trách nhiệm; kế hoạch, quy trình, hồ sơ cán bộ luân chuyển; thời gian luân chuyển; nhận xét, đánh giá; nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển; chế độ, chính sách; kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Việc thực hiện Quy định này góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 4Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Xem thêm: Bộ Chính trị ban hành quy định về công tác luân chuyển cán bộ

Phát hiện hàng nghìn tỷ đồng phải nộp ngân sách sau thanh kiểm tra
Toàn ngành tài chính đã thực kiển hơn 67.000 cuộc thanh tra, kiểm tra trong 9 tháng và từ đó kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng.

Theo con số vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết chiều 13/10, tổng số tiền được cơ quan chức năng kiến nghị xử lý tài chính sau thanh kiểm tra là trên 13.600 tỷ đồng. ). Số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước là trên 8.900 tỷ đồng.

Qua thanh kiểm tra, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, tại các địa phương còn tình trạng bố trí vốn ngân sách cho dự án vượt quá thời gian quy định hay chưa thực hiện giao dự toán thu đối với một số khoản thuộc thẩm quyền của địa phương.

Về công tác quản lý tài chính, ngân sách tại bộ, ngành, đại diện ngành tài chính thẳng thắn chỉ ra nhiều cái thiếu như: thiếu báo cáo thuyết minh chi tiết, thiếu nguồn thu và chưa sát với năm trước liền kề. Công tác lập dự toán cũng bị đánh giá còn chậm so với thời gian quy định.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Phát hiện hàng nghìn tỷ đồng phải nộp ngân sách sau thanh kiểm tra

Ngành dịch vụ logistics: Lo ngại thiếu hụt nhân lực chất lượng cao
Là ngành có tốc độ tăng trưởng cao từ 15-20% và đóng góp quan trọng cho GDP nhưng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cao trong ngành logistics (kho vận) đang thiếu hụt trầm trọng.

Theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, trong đó 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về nhân lực, giai đoạn 2017-2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Dự báo đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm trong ngành logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.

Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam lại tỏ ra lo lắng về chất lượng của nguồn nhân lực trong nước hiện nay, theo đó, rất nhiều lao động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Ngành dịch vụ logistics: Lo ngại thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng đột biến trong 9 tháng
Thông tin tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU” do dự án EU - MUTRAP phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam thời gian gần đây đã có nhiều đột biến.

Nếu như năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015 thì chỉ trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch đã ở mức 2,6 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, năm 2016, mặt hàng rau quả đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015, lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (2,2 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng với càphê và vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: cao su, chè, hạt điều...

Không chỉ xuất khẩu tốt tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang là một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt gần 94 triệu USD, tăng 22,1% so với năm 2015.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 7Rau quả bán tại siêu thị. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Xem thêm: Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng đột biến trong 9 tháng

"Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?"
Trước những hệ lụy của tình trạng phá rừng tự nhiên, gây thiệt hại lớn đến nguồn sinh thủy, tài nguyên của đất nước, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do lũ lụt, thiên tai, sáng 14/10, một Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn, tổng diện tích có rừng 14.377.682 ha, tăng 315.826ha so với năm 2015. Tổng hợp báo cáo các địa phương, giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật là 4.218 ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng bị mất do cả hành vi vi phạm pháp luật và chuyển mục đích sử dụng rừng.

“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?,” Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ đạo những địa phương để xảy ra phá rừng phải xử lý cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng kiểm lâm khi phát hiện sai phạm.

Thủ tướng đề nghị xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng để “lập lại kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ rừng” thông qua các biện pháp, chế tài đủ mạnh.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: "Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?"

Chính phủ đề nghị áp dụng sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020
Tiếp tục Phiên họp thứ 15, sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho phép bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, với phương án mới này sẽ có thêm thời gian cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 9Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Xem thêm: Chính phủ đề nghị áp dụng sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020

Từ đêm 15 -17/10: Hoàn lưu bão và không khí lạnh gây mưa to
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 17 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão số 11 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 20km. Đến 16 giờ, ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 110km về phía Đông Đông Nam.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ đêm 15/10 đến hết ngày 17/10 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, riêng phía Đông Bắc Bộ mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-100mm, phía Đông có nơi trên 150mm.

Sự kiện trong nước 9-15/10: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích ảnh 10Lũ ống, lũ quét ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

Xem thêm: Từ đêm 15 -17/10: Hoàn lưu bão và không khí lạnh gây mưa to

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục